HÀ NỘI VÀO ĐÔNG
Thơ
NGHIÊM THẢN
HÀ NỘI
vào đông
thơ
NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN 2024
LỜI GIỚI THIỆU
Khi vũ trụ vần xoay, mùa nối mùa để cuộc đời thêm nhiều hương vị. Nhà
thơ Nghiêm Thản lại đem đến “HÀ NỘI
VÀO ĐÔNG” với bao nỗi niềm muốn được chia sẻ. Là người con Hà Nội gắn bó với
nơi sinh thành, nhưng bước chân lãng du của anh đặt lên khắp mọi miền Tổ quốc,
và ở đó tình và cảnh đã thổi vào hồn anh sự vang ngân tạo ra những câu thơ đi
vào lòng người:
Khi vũ trụ chuyển vần
Mưa rây rây rắc bột
Cửa nàng Xuân mở chốt
Nhựa ứ tràn sinh sôi
(Chồi Xuân)
Mùa Xuân khởi điểm cho bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông là mùa của sinh sôi,
nảy nở vì vậy chỉ cần nghe tiếng “nhón
gót hài” của nàng Xuân là ta đã cảm nhận được đất trời đang chuyển động:
Nghe đâu đây tiếng gì khe khẽ
Hay tiếng nàng Xuân nhón gót hài
(Xuân Vể)
Với nhà thơ Nghiêm Thản thiên
nhiên con người hòa quyện với nhau để tạo nên cái đẹp vĩnh hằng: Tháng Giêng
nghiêng sắc hoa tươi/ Đâu đây khúc khích tiếng cười giòn tan (Tháng Giêng).
Nếu “sắc hoa tươi” đem lại bức
tranh tuyệt đẹp thì “tiếng cười giòn tan”
lại đem đến khúc nhạc tươi vui. Chỉ cần hai câu thơ cũng đã cho người đọc một
niềm lạc quan phơi phới. Mùa Hè trong thơ anh cũng rất sinh động. Nó chứa đựng
những nét riêng của Hà Nội:
Chùm sấu
xanh non giấu mình qua kẽ lá
Có vui lòng
khi mát bát canh chua
(Viết ngày 30.4)
Khác với
mùa Hẻ. Màu Thu được miêu tả với nhiều sự vật:
Khi hoa
phượng đã thôi tắp lửa
Bàng bung
dù lác đác lá vàng rơi
Hoa cúc
trong vườn đang còn e ấp
Gió heo về
làm rối tóc em tôi
(Giao mùa)
Hoặc:
Chợ làng
vương hương cốm
Chuối trứng
quốc chín vàng
Em gái Thu
má đỏ
Bưởi rám
vàng chơi đu.
(Chiều cuối
Thu)
Những câu
thơ thiên về miêu tả nhưng khiến người đọc nao nao như đang bước vào mùa Thu cụ
thể. Thu đi Đông tới theo quy luật của tạo hóa, nhưng với Nghiêm Thản đó là sự chuyển mùa rất đáng yêu và lòng anh xốn xang
để hát lên thành những câu thơ đẹp và giàu cảm xúc:
Mái tóc em thôi vương mùi hao sữa
Cỏ công viên sương ướt chỗ mình ngồi
Đèn cao áp như mờ hơn một chút
Thương cây bàng một nình đứng đơn côi.
(Hà Nội vào Đông)
Anh và em
chúng mình đang hiện hữu trong công viên, ánh đèn kia có “mờ hơn một chút” càng trở nên thi vị để rồi “Thương cây bàng một mình đứng đơn côi”. Thương người con gái cô đơn
đang chờ người yêu nơi biển đảo xa xôi. Đó chính là tính nhân văn cao cả hay
tấm lòng của thi nhân đang rộng mở. Khi rời xa thành phố nhà thơ Nghiêm Thản như được đắm chìm trên mợi
miền Tổ quốc:
Chùa Thiên Mụ vẫn rêu phong tháp cổ
Bến Văn Lâu giăng lớp lớp sương mù
Ai đã đề bài thơ vào chiếc nón
Thả xuôi dòng tìm người cũ trong mơ.
(Huế
trong mưa)
Huế đẹp và
thơ mộng dẻ lại nhiều cảm xúc cho tao nhân, mặc khách. Tác giả “HÀ NỘI VÀO
ĐÔNG” cũng viết được những câu thơ vang vọng như nhà thơ Hàn Mặc Tử:
Gió nhẹ lay, sông nước nhẹ lay
Lay cả vầng trăng cả mây bay
Thuyền ơi! Có nhớ về bến cũ
Cũng một đêm trăng tình đắm say
(Cũng một đêm
trăng)
Nơi núi rừng
với vẻ đẹp nguyên sơ cũng để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng tác giả:
Nghe em gọi
bạn tình bằng khèn lá
Nhịp con
tim vang vọng núi rừng thiêng
Bản sắc
riêng, Ôi! Mọi miền Tổ quốc
Có cuộc
tình tím hơn cả đồi sim
(Lên vùng
cao)
Khác với quan niệm
thông thường: Ca ngợi sự thủy chung của người phụ nữ qua truyền thuyết chờ
chồng hóa đá “Vọng phu” bản thân nhà
thơ lại muốn hóa đá để chờ người yêu:
Nếu mai này
em có về phố núi
Cuối dốc
xưa anh hóa đá đợi chờ
Và cho dù
nhành lan kia đổi sắc
Màu tím
trong anh mãi chẳng phai mờ
(Chiều
phố núi)
Dù đi đâu về đâu,
với quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nơi có Tổ tiên ông bà ông vải, có
anh em họ hàng, có bạn bè gần xa, có những người thân không bao giờ quên được,
và biết bao những kỷ niệm vui buồn. Với làng Bún Phú Đô nhà thơ Nghiêm Thản luôn dành những lời ngợi ca
từ sâu thẳm trái tim mình:
Chùa Đồng
Bàn, chùa Thượng, Linh Sơn Tự
Đây đất
thiêng, quán thờ Đức Hai Bà
Đây làng nghề
có từ xa xưa lắm
Sợi bún oằn
mình chìm nổi với ông cha.
(Làng
Bún Phú Đô)
Viết về những
người phụ nữ Phú Đô tài hoa đảm đang đã từng là vợ vua (đời Lý), những người
phụ nữ đang sống và làm việc nơi quê hương mình nhà thơ luôn thể hiện bằng
những lời thơ cảm phục:
Ca trù ngọt tới cung đình
Chầu văn,
chèo cổ nặng tình nước non
Một lòng cùng với chồng con
Hai vai
gánh nặng vẹt mòn gót chân.
(Gái Phú Đô)
Chỉ mấy câu lục
bát mà Nghiêm Thản đã khắc họa rõ
nét, sinh động hình ảnh người phụ nữ Phú Đô quả là một tài thơ. Trong “HÀ NỘI
VÀO ĐÔNG” ta bắt gặp chủ đề thơ tình yêu lứa đôi khá đậm đặc. Phải chăng đây là
tiếng vọng từ tâm hồn của nhà thơ đa tình, đa cảm? Nhìn cảnh vật mà thấy lòng
rạo rực và tình yêu lên tiếng:
Đôi chim
câu mớm hơi đấu mỏ
Ghế đá công
viên Hai bạn trẻ tự tình
Em đẹp như
câu thơ bỏ ngỏ
Tình yêu
thơm như trái chín đầu mùa
(Thơ tặng em)
Từ đôi chim câu
đang “mớm hơi” đến đôi bạn trẻ đang
tự tình trên “ghế đá công viên” rồi
lời khen về em rất đẹp qua cách so sánh như câu thơ chưa viết xong để đi đến
cái kết rất tự nhiên “Tình yêu thơm như
trái chín đầu mùa”. Thật gần với cách diễn đạt của nhà thơ tố Hữu “Em đẹp, em thơm như quả quả táo đầu cành”.
Tình yêu lứa đôi
là thi hứng vô tận làm tốn nhiều giấy mực của văn nhân từ xưa tới nay. Mỗi thi
nhân có một cách hiện khác nhau. Nghiêm
Thản tỏ lòng mình rất cụ thể nhưng lại hết sức bay bổng:
Anh thích
em thổi cơm rơm
Lửa hồng
vừa tắt đã thơm má đào
(Xin đừng)
Thật khiếm khuyết
nếu ta không nhắc đến hình ảnh nhưng người vợ liệt sỹ xuất hiện trong tập “HÀ
NỘI VÀO ĐÔNG” vì ở họ nó chứa đựng sự hy sinh thầm lặng và cao cả:
Lấy nhau
chưa kịp bén hơi chồng
Mà em đã
phải chịu phong không
Em biết anh
còn nhiều vất vả
Mái bếp bao
giờ ấm lửa hồng…
Ngày mai
cha tới anh đã khuất
Giặc giết
anh rồi bung mang thai
(Thầm Lặng)
Có người vợ liệt
sỹ nhìn chiếc lá rụng, một mình ngồi gậm nhấm “nỗi cô đơn”: Lá vàng rụng
lặng yên về cội/ Em một mình đếm từng nỗi cô (Sang Xuân). “HÀ NỘI VÀO ĐÔNG” phần lớn là thể
thơ tự do, một ít bài lục bát, thơ ngũ ngôn, anh dành cho thơ Đường khá khiêm
tốn nhưng lại là những bài rất chuẩn, chỉ cần nhìn vào các cặp Thực (câu 3,4)
Luận (Câu 5,6) bài “Mênh mang Yên Tử”
ta thấy rõ điều đó:
Núi biếc trập trùng, chim vượn hót
Rừng xanh thăm thẳm, quế lan bay
Vua Trần thanh tịnh rời cung điện
Phật tử tĩnh tâm đến chốn này.
(Mênh mang Yên Tử)
Tiếp theo
tập “TRỞ VỀ” là tập thơ “HÀ NỘI VÀO ĐÔNG” để minh chứng một điều: Nguồn cảm
hứng thi ca trong tâm hồn nhà thơ Nghiêm
Thản đang dào dạt. Bạn bè, độc giả xa gần mong muốn anh cho ra đời nhiều
tác phấm xuất sắc hơn.
Hà
Nội tháng 2. 2012
Nhà thơ: Xuân Hiến
THÁNG GIÊNG
Nắng còn non lắm tháng Giêng
Từng đôi én
liệng chao nghiêng rỡn đùa
Mạ non trải thảm gọi mùa
Sá cày đang
nỏ đợi bừa dầm ngâm.
Tháng Giêng tách vỏ cựa mầm
Từ trong
nâu đất lạnh câm bấy ngày
Cây bàng tích nhựa lâu nay
Giọt sương
còn đọng gió nay non cành.
Tháng giêng trời lại trong xanh
Hoa xoan
lại tím trên cành hương bay
Tết còn sót chút men say
Hoa đào rực
rỡ bướm bay dịu dàng.
Cùng nhau đi trẩy hội làng
Cùng nhau
đi lễ xốn xang lòng người
Tháng Giêng nghiêng sắc hoa tươi
Đâu đây
khúc khích tiếng cười giòn tan.
Hè Thu hương cúc hương lan
Tháng Giêng
sau Tết đang tràn hương Xuân.
CHỒI XUÂN
Thương màu
đất mùa Đông
Vắt kiệt
mình nứt nẻ
Thương hạt
cây nhỏ bé
Âm thầm đợi
mưa Xuân.
Khi vũ trụ
chuyển vần
Mưa rây rây
rắc bột
Cửa nàng
Xuân mở chốt
Nhựa ứa
tràn sinh sôi.
Chim từng
đôi từng đôi
Tha rác về
làm tổ
Nhện giăng
mùng mắc võng
Hạt mưa
treo long lanh.
Và em lại cùng anh
Xuống đồng đi đổ ải
Thóc giống mình đã vãi
Mạ nhú mầm non tơ.
Nghe em hát vu vơ
Trên đồng em áo mỏng
Hoa trên môi đỏ mọng
Kìa chồi Xuân - rất Xuân.
GIAO MÙA
Hoa xoan rụng trắng tràn lối ngõ
Hương bưởi còn sót lại cuối tháng Ba
Luống cà đã bắt đầu xanh tốt
Chùm vải đầu mùa đang đợi gió nồm
nam.
Khi hoa phượng đã thôi thắp lửa
Bàng bung dù lác đác lá vàng rơi
Hoa cúc trong vườn đang còn e ấp
Gió heo về làm rối tóc em tôi.
Mây muộn nhởn nhơ trôi mặt nước
Tim tím hoa bèo, chim bói cá ngó
nghiêng
Gió cuối Thu làm em tôi lành lạnh
Xích lại gần anh, trời đã sắp sang
Đông.
Bên đống lửa chú mèo lim dim ngủ
Ngoài trời vẫn lất phất mưa bay
Biêng biếc chồi xanh, cành đào hé nụ
Tháng Chạp lùi dần, nhường chỗ Xuân
sang
NHỊP SỐNG ĐỜI THƯỜNG
Nghĩ đời lắm lúc trái ngang
Trời đang nắng ráo lại sàng mưa hoa
Chuyện đời đâu phải món quà
Để buôn, để bán, nghe ra không vào.
Cao xanh ơi hỡi xanh cao
Nghe con cóc kiện mưa rào đến nơi
Xoay quanh cũng chỉ chuyện đời
Bố thua lại mắng con chơi lô đề.
Mẹ chê con gái vụng về
Nồi cơm mẹ thổi sống khê mấy tầng
Cải thơm thì phải có gừng
Cơm sôi bớt lửa xin đừng khó nhau.
Được mùa nhãn mất mùa cau
Cả hai mùa mất dạ đau chín chiều
Giá gương xin phủ nhiễu điều
Dây bầu dây bí còn nhiều vẫn vương.
LÀNG BÚN PHÚ ĐÔ
Đây Hồng Đô xưa - Phú Đô làng Bún
Đây đình vuông Tám mái uốn cong cong
Đền Sa Đôi thờ vị anh hùng dân tộc
Soi bóng xuống dòng sông Nhuệ xanh trong.
Chùa đồng Bàn, chùa Thượng, Linh Sơn
Tự
Đây đất thiêng quán thờ đức Hai Bà
Đây làng nghề có từ xa xưa lắm
Sợi bún oằn mình chìm nổi với ông
cha.
Mẹ tần tảo vai mòn trơn đòn gánh
Cha thắt lòng khi nghe chợ đổ cơn mưa
Lớp lớp cháu con lớn lên từ sợi bún
Biết giữ gìn nghề Tổ tự ngàn xưa.
Ẩm thực Việt Nam muôn sắc muôn màu
Mang sắc thái riêng của mỗi miền dân
tộc
Có rất nhiều những món ngon từ bún
Mát lòng người khi ăn bát bún riêu.
Sợi bún mượt mà dài theo lịch sử
Vất vả, nhọc nhằn, thử thách đầy vơi
Nay đã có thị trường cùng thương hiệu
Ta tự hào khi hàng tỏa muôn nơi.
CŨNG MỘT ĐÊM TRĂNG
Huế đêm trăng giãi vàng trên phố
Sương mù giăng lạnh lối ta về
Từ ấy xa nhau rồi để nhớ
Ta ngỡ mình chìm đắm trong mơ.
Gương sông Hương lấp lánh sao trời
Câu hát Nam Ai thả buông lơi
Ta đã hẹn thuyền ai đậu bến
Nước cứ trôi người cũ đâu rồi!
Trăng xuống nghiêng nghiêng sao vàng
mãi
Lối cũ ta về lạnh bờ vai
Nhớ ai, ai nhớ sầu lẻ bóng
Thả bước ta về ai nhớ ai.
Trăng lênh đênh ta ngỡ là thuyền
Trăng, mây, nước sao khéo đưa duyên
Để ai nhớ, ai thương, ai đợi
Đêm lặng lẽ gió thoảng ưu phiền!
Đây bến Nam Giao đêm sầu vắng
Đường Huế dài chẳng thấy bằng lăng
Trăng cứ sáng, lòng ta yên lặng
Thao thức mãi ơi hỡi vầng trăng.
Gió nhẹ lay, sông nước nhẹ lay
Lay cả vầng trăng, cả mây bay
Thuyền ơi! Có nhớ về bến cũ
Cũng một đêm trăng tình đắm say.
MỘT CÕI TIÊN
(Tặng nữ thích Thanh Thủy)
Lòng mềm yếu khó làm nên chính quả
Cái để mất, đã dần dần phải mất
Cái để quên, đâu có để mà quên
Cái để được, phải khổ luyện một đường
tu.
Có Hai chị em người Thanh Hóa
Cha đã hy sinh chống Mỹ một thời
Theo mẹ tha phương quen sống ở chùa
Tương cà gạo hẩm với dưa chua.
Phận nghèo phải nương nhờ cửa Phật
Họ thoát đi thú tục ở trần gian
Sớm chiều kinh mõ không cô quạnh
Mải mê nghiên cứu Pháp Phật đàn.
Chùa Thông ngày ấy hoang sơ lắm
Tiêu điều sắp sập giữa sơn ngàn
Cơ duyên thích nữ về tu tạo
Uy nghiêm tráng lệ dưới tán lan*.
Hành hương qua đây mời du khách
Xin hãy dừng chân chốn cửa thiền
Chùa Thông rộng mở lòng bác ái
Tĩnh tâm thanh thản. Một cõi tiên
___________
*Cây
Ngọc lan cổ thu có tới hàng trăm năm tuổi
CHIA SẺ
Thẩn thơ khi em đứng bên hồ
Gió nhè nhẹ thổi sóng nhẹ xô
Nhìn chiếc lá rơi trên mặt nước
Đoạn trường đắm đuối giữa thành đô.
Anh muốn là đôi dòng nước mắt
Chảy thật nhiều tắm mát đời em
Hát em nghe lời ru của mẹ
Trở về kỷ niệm những rặng tre.
Anh muốn là những hạt bụi mưa
Cho mái tóc em ướt vừa vừa
Rồi ngắm em gội đầu hong tóc
Hương sả hương chanh dìu dịu đưa.
Anh muốn là những giọt sương đêm
Cho mát vườn em liễu rủ mềm
Cho ướt mi em đêm khi ngủ
Nghe tiếng lá rơi khẽ chạm thềm.
Anh muốn là những rặng thông
Cho dù trời đất rộng mênh mông
Vẫn ru em trở về cánh võng
Thăm thẳm hồn quê đượm hương đồng.
HỐI HẬN
Ai làm bát đũa nó xô
Nỗi đâu đén nỗi đấm bồ đá nia
Nào là mặt nọ mày kia
Lật mâm, đập bát, quẳng thìa, ném
môi.
Quai sanh vành chảo dế nồi
Vợ tôi nhịn nhục vẫn ngồi lặng yên
Tỉnh ra mới thấy vợ hiền
Tình duyên sứt mẻ cùng tiền mất đi.
Nóng nảy chẳng được ích gì
Anh đây biết nỗi thôi thì xin em
Em đừng lạnh giá như kem
Miệng xà nhưng dạ vẫn thèm thủy
chung.
Thôi em đững nghĩ lung tung
Lần sau anh bớt đùng đùng lửa sôi.
HÔN
Trái đất cổ xưa chưa bao giờ cũ
Quỹ đạo đời thường anh lại gặp em
Hậu duệ là em, trong muôn vàn tinh tú
Lực háp dẫn nào - môi em chạm moi
anh.
ĂN SÁNG
(Tặng nhà hàng Minh Sơn)
Sáng ăn bát bún dọc mùng
Dẫu “không người lái” nước dùng vẵn
ngon.
Sáng mai mời vợ cùng con
Sang đây thưởng thức chắc còn ngon
hơn.
Cửa hàng đây hiệu Minh Sơn
Ấm lòng lữ khách, những cơn đói lòng.
SANG XUÂN
Sao bao giờ với em cũng mùa Đông!
Phòng không lẻ gối lạnh lắm không?
Cho anh chia sẻ dẫu mùa Thu đã cạn
Đắm đuối lá bàng em đừng ngại gió
Đông.
Lá vàng rụng lặng yên về cội
Em một mình đếm từng nỗi đơn côi
Em lặng thinh như nghĩ về cổ tích
Thơ em buồn như cọng cỏ dưới chân đê.
Hãy quên đi những gì trong quá khứ
Thôi em đừng vắt kiệt những suy tư
Anh chỉ sợ em cười lên ngạo nghễ
Khi gục ngã và những phút đam mê.
Hãy đứng dậy láy đớn đau làm sức bật
Đừng mạo hiểm một mình đứng chơi vơi
Sau cuộc hành trình em thường gục ngã
Em đã biết sau lưng những cuộc đời.
Thôi em đừng dào bới những Thiên Thu
Nơi nghĩa địa tim đâu ra hơi ấm
Hãy giữ lấy màu xanh bích ngọc
Số phận một phần. Đông hết phải sang
Xuân
THÁNG CHẠP
Tháng Chạp đến được gần một nửa
Con hỏi mẹ sắp đến Tết chưa?
Lá bàng rụng xoay xoay trong gió
Đào quất bắt đầu bán lưa thưa.
Mưa bụi bay chờ ngày Xuân đến
Búp non tơ vẫn sợ gió Đông
Cuống rạ đồng chiều nhường ngọn cỏ
Người đến người đi đã dập dìu.
Vạt mạ bên đường xanh như lụa
Lác đác trên trời én nghiêng chao
Liệu Tết này anh có về không nhỉ
Chia sẻ vơi đầy những khát khao.
Con của chúng mình năm nay lớn lắm
Kể chuyện anh chúng rất tự hào
Biết mua quà chờ ngày tặng bố
Tết anh về hạnh phúc xiết bao.
TRĂN TRỞ
Ngẩn ngẩn, ngơ ngơ, sách gối đầu
Vướng vào nghiệp chướng đã từ lâu
Ngẫu hứng đề thơ sắp xếp câu
Các bậc hiền tài buông ý ngọc
Những cây bút trẻ nhả lời châu
Viết hay độc giả còn thưa thớt
Giải thích sao đây đỡ nhức đầu.
SẮC XUÂN
Giêng Hai hết Tết đã lâu rồi
Hương sắc mùa Xuân vẫn khắp nơi
Cây bưởi sau nhà đang trắng nụ
Cành xoan ngoài ngõ đã xanh chồi
Dập dìu trẩy hội vui trai gái
Nhộn nhịp chơi Xuân đẹp từng đôi
Đón Hạ nắng tràn cây đậu quả
Nồng nàn lắng đọng mãi trong tôi.
THƯ GỬI CHỊ
Em chỉ tiếc em đầu thai hơi muộn
Để tuổi em kém hơn tuổi chị nhiều
Chị đẹp thế lá “diêu bông” không tìm
được
Buồn bao nhiêu càng nhớ chị bấy
nhiêu.
Xuân năm ấy chị hẹn em đi chơi hội
Em mừng thầm, chưa kịp hỏi hội nơi
đâu
Dù ở đâu, cùng chị đi em cũng thích
Em chờ hoài. Hội hết đã từ lâu.
Thư em viết tặng chị đầu năm ngoái
Bao riêng tư chia sẻ những nỗi lòng
Chắc chị đọc và hiểu em nhiều hơn thể
Lúc bấy giờ em như mớ bòng bong.
Em rút ra từ ngân hàng ký ức
Một buổi chiều chị mặc áo cô dâu
Chị càng đẹp lá “diêu bông” không có
Em đứng nhìn đò chị đã sang ngang.
Bên cánh đồng dưới triền đê mênh mông
quá
Chị xa dần phía bờ bãi bên kia
Em thầm nghĩ nếu mai này gặp lại
Nói gì đây, hay lại tặng chị thơ.
HUẾ TRONG MƯA
Huế yêu ơi! Sao Huế mưa nhiều rứa
Mưa rầm rì rả rích mãi không thôi
Tôi ngẩn ngơ tìm đường xưa lối cũ
Đây chợ Đông ba quán ấy đâu rồi.
Ngàn thông reo lời ru nghe da diết
Núi Ngự Bình mờ ảo phía xa xa.
Những tượng đá dầm mưa
lăng Khải Định
Cành liễu đung đưa tha thiết la đà.
Chùa Thiên Mụ vẫn rêu phong tháp cổ
Bến Văn Lâu giăng lớp lớp sương mù
Ai đã đề bài thơ vào chiếc nón
Thả xuôi dòng tìm người cũ trong mơ.
Tôi lại về đây thăm thôn Vĩ Dạ
Ngan ngát hương cau, hoa trái trĩu
cành
Gió nhẹ đưa trong vườn mưa lộp bộp
Bên ngôi nhà cổ bên lối trúc xanh.
Nơi Hoàng Thành vàng son rực rỡ
Nét chạm gỗ bao năm tháng chẳng mờ
Huế trong mưa khắc vào hồn du khách
Duyên dáng dịu dàng xứ Huế mông mơ.
GÁI PHÚ ĐÔ
Giếng Trong ném đất xin thề
Cung Son cũng bỏ xin về quê hương
Hai Bà là một tấm gương
Chung soi phụ nữ thân thương quê
mình.
Ca trù ngọt tới cung đình
Chầu văn, chèo cổ nặng tình nước non
Một lòng cùng với chồng con
Hai vai gánh nặng, vẹt mòn gót chân.
Chịu thương chịu khó chuyên cần
Những khi gian khổ xoay vần như không
Nuôi con ngoan giỏi việc đồng
Đảm đang buôn bán gánh gồng ven đô.
Dẫu cho bão táp sóng xô
Chị em xây dựng Phú Đô đẹp giàu.
PHẢI LÒNG
Đã đố thì anh thử lòng em
Sợ gió khẽ đưa đã lay rèm
Quân tử nhẹ nhàng - ong lấy mật
Mãi mùa xanh ấy cứ thử xem.
Anh cố đi tìm lá “diêu bông”
Yêu em anh muốn lấy làm chồng
Anh còn có loài hoa bất tử
Xin gửi tặng em dẫu em không.
Nếu mai mốt em đi lấy chồng
Phòng không lạnh lẽo rộng mênh mông
Anh vẽ hình em trên vôi trắng
Bâng khuâng chim én liệng trên đồng.
Ừ giá như anh không thử lòng
Chẳng bao giờ như mớ bòng bong
Lòng người sao mà nhiều dan díu
Chỉ thử thế thôi đã phải lòng.
CHIỀU PHỐ NÚI
Chiều nắng nhạt đổ xuống đường phố
núi
Lòng bâng khuâng tìm lối cũ em chờ
Ngày anh đến gặp em nơi cuối dốc
Mây lồng sương, mưa bay rắc bụi mờ.
Thác buông mành suối reo tung bọt
trắng
Suối bạc bắc qua bảy sắc cầu vồng
Anh khờ khạo nên má em càng đỏ
Rừng hoang sơ, xa xa vọng tiếng kồng
Nhành lan tím vẫn bám trên vách đá
Mùa năm nay sao lại nở hoa vàng?
Em có nhớ hai đứa mình cùng thích
Núi thì cao, suối chảy chẳng lối
sang.
Nếu mai này em có về phố núi
Cuối dốc xưa anh hóa đá đợi chờ
Và cho dù nhành lan kia đổi sắc
Màu tím trong anh mãi chẳng phai mờ.
LÊN VÙNG CAO
Lên vùng cao tôi tập làm người sơn
cước
Trút bỏ comple mặc quần áo xanh chàm
Mấy bạn gái bận váy xanh khăn đỏ
Em cúi đầu thổi lửa nướng cơm lam.
Bỏ bia lon uống nước vầu trong mát
Ăn côn trùng như thời thuở hồng hoang
Trải lá nằm không còn lo vắt cắn
Rừng tươi xanh chưa tan hết sương mờ.
Quanh đống lửa cộng đồng người thiểu
số
Dậy cho tôi thổi điệu sáo điệu khèn
Tập cho tôi những điệu xòe điệu múa
Rượu cần thơm đã chếnh choáng hơi
men.
Nghe em gọi bạn tình bằng kèn lá
Nhịp con tim vang vọng núi rừng
thiêng
Bản sắc riêng ôi! Mọi miền Tổ quốc
Có cuộc tình tím hơn cả đồi sim.
NGƯỜI DƯNG
Anh người dưng em cũng người dưng
Xa nhau gặp lại mừng mừng, nao nao
Ước gì cách một bờ rào
Để khi ta nhớ ta vào thăm nhau.
Ước gì ngan ngát hương cau
Luồn qua cửa sổ phía sau em nằm
Ước gì như ánh trăng rằm
Lọt vào tận chỗ con tằm nhả tơ.
Sao mình cứ nghĩ vu vơ
Của mình không phải vẫn mơ chung
đường
NHỚ HƠI MEN
Quán tình em trút hơi men
Để ai ngây ngất dẫu quen lần đầu
Ngoài trời sùi sụt mưa ngâu
Ai quên ai nhớ ai sầu bòng bong.
Hay là ai đã chạnh lòng
Câu thơ viết dở vẫn mong ngọt ngào
Đêm nằm chỉ thấy chiêm bao
Một lần gặp lại lối vào quán xưa.
Ngoài trời vẫn vẫn sụt sùi mưa
Hạt rơi xuống đất hạt cưa vào lòng
Vòm trời ai lỡ uốn cong
Để thương để nhớ để lòng vấn vương.
THƠ TẶNG EM
Có phải vô tình tay chạm tay
Làm thức dây mọi miền rung cảm
Nhớ mãi không quên thưở ban đầu
Gửi tặng em anh viết một đôi câu.
Thời gian trôi đi như lịch sử
Thôi em đừng làm kẻ vô tư
Nhấm nháp mãi nỗi đau thiên hạ
Rồi để cuộc đời mãi cô đơn.
Xuân đi qua nắng chan hòa rực rỡ
Anh thương em thương tuổi xuân thì
Hạ đã trắng Thu vàng sẽ chín
Quỹ thời gian ngày một vơi đi.
Đôi chim câu mớm hơi đấu mỏ
Ghế đá công viên hai bạn trẻ tự tình
Em đang đẹp như câu thơ bỏ ngỏ
Tình yêu thơm như trái chín đầu mùa.
XIN ĐỪNG
Củ gừng kể chuyện đắng cay
Củ khoai kể chuyện những ngày đói cơm
Anh thích em thổi cơm rơm
Lửa hồng vừa tắt đã thơm má đào.
Chuồn chuồn đậu cọc cầu ao
Hoa bèo tim tím còn xao xuyến lòng
Em đừng như mớ bòng bong
Rối thì đã rối lửa lòng đang nhen.
Những khi tắt lửa tối đèn
Nếu yêu anh thật đừng ghen làm gì.
XUÂN HÀ NỘI
Để đón Xuân mọi người vui ríu rít
Chị cả chị hai rửa lá dong xanh
Mẹ cẩn thận chắt lọc từng hạt nếp
Loại bỏ đi những thứ chẳng vừa lòng.
Đất Thăng Long thêm bề dầy lịch sử
Phơi phới chào Xuân thấm đẫm tình
người
Đào Nhật Tân trên môi em khoe sắc
Vẫn thủy chung nghe vũ trụ chuyển
vần.
Vọng xa đưa tiếng chuông chùa Trấn
Quốc
Gió Hồ Tây nhẹ đẩy lớp sương mù
Đàn sâm cầm rủ nhau về bơi lội
Từng đôi, từng đôi người Hà Nội tự
tình.
Hồ Gươm xanh nhớ Thần Rùa trả kiếm
Tháp Bút ngàn năm viết mãi lên trời
Sông Hồng reo vẫn tô son Hà Nội
Các đấng anh linh tỏa sáng muôn đời.
KHÓC ANH VIỆT CƯỜNG
Việt Nam có một làng thơ
Ngọt câu lục bát bên bờ sông xanh
Nghiêng mình hương khói viếng anh
Làng Chùa mất một bút danh Việt
cường.
MƯA XUÂN
Xuân về mưa bụi êm êm
Lá vàng sót lại chạm thềm đón Xuân
Lắng nghe đất nước chuyển vần
Đường Xuân phơi phới, mưa Xuân ngọt ngào.
CÁI QUẠT TREO TƯỜNG
(Quà tặng bạn thơ)
Không phải Mười Bảy, Mười Tám đâu
Cũng không làm mát chẳng che đầu
Hăm Hai tằm ấy nhiều lưu luyến
Quà quý bạn trao lắm sắc màu.
ĐIỆN HÒN CHÉN
Thu Hà Nội Hồ Tây gợn sóng
Huế sông Hương như dải lụa mềm
Mái chèo đưa nhẹ tan ánh bạc
Du khách đường xa có nhớ nhà.
Cây si xõa tóc sông Hương gội
Kia rồi hòn Chén ẩn trong sương
Bên bờ thuyền ai chờ đợi khách
Thả nổi câu hò giữa dòng Hương.
Dây leo vấn vít hoang sơ quá
Lô nhô đá núi phủ rêu mờ
Những cây cổ thụ bao năm tuổi
Buông mành cành liễu rủ lơ thơ.
Lên điện nghiêng mình thắp nén nhang
Ông cha hào khí thật huy hoàng
Chắp tay vái lạy anh linh kiệt
Sử vàng hòn Chén tỏa hào Quang.
TRÁCH MÌNH
Tình cờ gặp nhau em như hẫng hụt
Đã mấy ai quên được mối tình đầu
Đôi mắt buồn em tìm về quá khứ
Trộm liếc nhìn nhau mà ngực nhói đau.
May mắn thay ba người đều yên lặng
Người ấy khổ đau khi dứt một cuộc
tình
Em luống cuống đứng giữa hai dòng
nước
Không làm em quên tôi tự trách mình.
Cuộc tình tay Ba tôi là người thắng
cuộc
Được vợ yêu hạnh phúc mỉm cười
Đứa trẻ lên Ba bi bô gọi bố
Thua cuộc lúc này lại chính là tôi.
VỀ THĂM HUẾ
Tôi lại về đây thăm xứ Huế
Đến Trúc Lâm quay lại Từ Đàm
Thắp nén nhang tỏ lòng thành kính
Huế về chiều buông tỏa khói lam.
Tôi lắng nghe điệu hò Mái Đẩy
Sông Hương chảy theo mạch thơ tuôn
Những nỗi buồn trôi theo dòng nước
Phía xa xa chớp giật mưa nguồn.
Lăng Tự Đức chát chồng thềm đá
Tượng vô chi mưa nắng dãi dầu
Em ở đâu hay em lỗi hẹn?
Núi Thiên Thai mây trắng đội đầu.
Đến Thiên Mụ nhớ trường Đồng Khánh
Nơi hẹn hò tới bến Văn Lâu
Câu thơ viết còn đang bỏ dở
Trời xao lòng cũng sùi sụt mưa ngâu.
Nơi Hoành Thành sen đang nở rộ
Rất uy nghiêm mũ áo Hoàng bào
Thềm gạch cũ dầy thêm rêu phủ
Vẫn còn đây triều Nguyễn một thời.
ĐÁ VỌNG PHU
Quanh co con đường lên xứ Lạng
Chạng vạng mây buông một ráng chiều
Rõi về đâu ơi Vọng Phu đá?
Dẫu ngàn năm… biển xóa dã tràng.
Anh em ly tán thành chồng vợ
Ai khéo đặt bày chuyện trái ngang
Người đi biền biệt không quay lại
Người ở ngóng trông đến mỏi mòn.
Chùa Tam Thanh thà đành cắt tóc
Còn hơn gan góc đứng chờ chồng
Hay lộn kiếp đổi đời sau đi vậy
Đã khổ mình lại khổ lây con.
Hóa đá ngàn năm còn đứng đợi
Mặc nắng, mặc mưa, mặc chuyện đời
Vời vợi sáng trong ơi gương đá
Người vợ thủy chung hóa tượng đài.
HÀ NỘI VÀO ĐÔNG
Mái tóc em thôi vương mùi hoa sữa
Cỏ công viên sương ướt chỗ mình ngồi
Đèn cao áp như mờ hơn một chút
Thương cây bàng một mình đứng đơn côi.
Dạo đường Thanh Niên em quấn thêm khăn cổ
Cái rét đầu mùa làm em nhớ đến anh
Quanh đống lửa xòe tay tìm hơi ấm
Nơi đảo xa anh có nhớ đất Hà Thành!
Góc phố nhỏ thoảng đưa mùi ngô nướng
Thú ăn quà người Hà Nội xưa nay
Gói lạc rang trong lòng tay âm ấm
Anh có về tìm lại chút men say.
Hà Nội vào Đông, không an em buồn lắm
Hàng liễu bên hồ vẫn buông thả mành xanh
Em chờ anh - em chờ hơi ấm
Anh chậm về em sợ cạn mùa Đông.
TẮM SUỐI KIM BÔI
Khắp mọi miền có nhiều khu du lịch
Tôi ngâm mình trong dòng khoáng Kim Bôi
Nước nóng ấm như sà vào lòng mẹ
Tổ quốc mình là một chiếc nôi.
Không biết bơi ư? Lại đây anh dạy
Giữa núi rừng xuất hiện một nàng tiên
Nâng mình thon, tay chân em khỏa nước
Em thông minh làm anh thoảng ưu phiền.
Biết bơi rồi em tự do vùng vẫy
Buồn vui anh biết trước phút giây này
Lăng kính nước càng làm em thêm đẹp
Không giữ được, em đã tuột khỏi tay.
Uống nước đi, ta uống khoáng Kim Bôi
Vị ngọt ngào đọng mãi bờ môi
Tắm nước suối vẫn thấy mình đang khát
Lưu luyến quá, thôi tạm biệt Kim Bôi.
XUÂN VỀ
Cái rét cuối mùa không còn buốt giá
Trời thủng ra những mảng trong xanh
Cây chanh đã bát đầu tấm nụ
Tiếng chim sâu chích chích ở trên
cành.
Chim én về chao mình trong nắng mới
Ruộng trên đồng lúa đã lên xanh
Khói bếp lam chiều thơm thơm mùi củi
Rau lang đầu mùa đậm ngọt nồi canh.
Anh cùng em xuống đồng đi làm cỏ
Đàn trâu bò thong thả gậm sương mai
Nghe đâu đây tiếng gì khe khẽ
Hay tiếng mùa Xuân nhón gót hài.
Thế là Xuân đã về rồi anh nhỉ
Xuân của chúng mình Xuân của đất trời
Lửa mẹ giấm hai ta thành đôi lứa
Hạnh phúc nào bằng khi nghe tiếng à ơ!
HOA GIẤU MẶT
Lần đầu tiên tôi đến Sơn La
Đất Tây Bắc có nhiều loài hoa lạ
Sắc màu lung linh mọc chen trong đá
Hoa đào gì mà lại nở cuối Thu?
Có loài hoa rất giống chiếc đèn cù
Không ngửa, không nghiêng, không khoe
sắc
Xin hỏi mọi người hoa tên gì đấy nhỉ?
Lắc đầu tất cả nói chịu thôi.
Màu hồng tươi nở khắp phố đồi
Xa xa ngắm đẹp như nàng tiên nữ
Hoa giấu mặt thẹn thùng ý tứ
Vẻ đoan trang e ấp ở trên cành.
Hoa khoe mình dưới tán lá xanh
Một loài hoa giữa miền sơn cước
Không kiêu sa, rực rỡ khắp bản mường
Kín đáo dịu dàng phảng phất đưa
hương.
Cảm ơn thiên nhiên, cảm ơn tạo hóa
Đã cho Sơn La muôn sắc muôn màu
Cho Tổ quốc mình thêm xinh đẹp
Cho tình người mãi thắm đậm lắng sâu.
VẪN CÒN TRINH NGUYÊN
Cái thời con gái lưng ong
Tình yêu một phía vẫn mong có chồng
Anh cao xạ, em phòng không
Anh như gió cuốn mùa Đông em chờ.
Tình yêu như tỉnh như mơ
Chẳng ai sui khiến mà khờ mà ngây
Muốn sang đò đã quá đầy
Vườn Xuân đương độ, đương mùa trầu
cau.
Khi gặp nhau buộc nỗi đau
Vợ anh đã mất con đầu gửi nuôi
Bỏ buồn mòn mỏi khôn nguôi
Gà con nhớn nhác anh xuôi suối vàng!
Sao tình lắm nỗi đa đoan
Vẫn con, vẫn mẹ, vẫn còn trinh nguyên
Vẫn mong có bến có thuyền
Mừng con, con đã nên duyên vợ chồng.
Bây
giờ em vẫn phòng không
Vẫn mong có cháu bế bồng cho vui
Tình yêu khi tới khi lui
Sao không nói hộ một lời cho nhau.
VIẾT NGÀY 30.4
Nắng đầu Hè nắng chan hoa rực rỡ
Đổ xuống đường thành phố giữa ban
trưa
Chùm sấu xanh non, giấu mình trong kẽ
lá
Có vui lòng khi mát bát canh chua.
Hàng phượng vĩ chìa tay ra vẫy vẫy
Thắp lửa ban ngày như sắp có tin vui
Đỏ rực lên như màu cờ chiến thắng
Cô nữ sinh chắc chưa hết ngậm ngùi.
Vải chín vàng đẹp hàng quầy hoa quả
Bán rẻ đi anh tặng chút hương lan
Sen đang độ nở trong hồ hồng thắm
Thoảng đưa thơm quê Bác Nam Đàn.
Giã thành phố không có chim tu hú
Nghe đâu đây xao xác lá vàng rơi
Những giọt lệ ấm lăn tròn trên má
Khi nhận ra tin chiến thắng tuyệt
vời.
Khi nhận ra tin Sài Gòn giải phóng
Sau giây phút nín lặng nghe đài
Nắng thành phố càng người lên rạng rỡ
Phượng lại nở bung trên mọi nóc nhà.
THẦM LẶNG
(Tặng mẹ - vợ liệt sĩ)
Thầm lặng mình ơi! Ai biết đây
Ai biết tình ta đã đong đầy
Nhớ chồng ra đứng bờ tre ngóng
Chỉ thấy trời cao với đất dầy.
Lấy nhau chưa kịp bến hơi chồng
Mà em đã phải chịu phòng không
Em biết anh còn nhiều vất vả
Mái bếp bao giờ âm lửa hồng.
Đêm ây anh về dăm bảy phút
Thương chồng hỏi nhỏ anh ở đâu?
Bí mật xua tay đầu khẽ lắc
Sao anh không nói một đôi câu.
Một nửa, một mình, một giác mơ
Vô tình con nhện nhả đường tơ
Bếp lửa chiều nay sao đắng khói
Anh lại ra, đi em lại chờ.
Nhớ anh em chỉ biết thở dài
Anh bảo sẽ tin ở ngày mai
Ngày mai chưa tới anh đã khuất!
Giặc giết anh rồi! Bụn mang thai.
Nợ nước thù nhà chưa trả được
Ôi! Sao chiến tranh mãi kéo dài
Giặc còn chưa biết em là vợ
Đau xót này biết chia sẻ cùng ai.
Rồi đến ngày Thành Đô giải phóng
Buồn vui lẫn lộn rộn trong lòng
Bao nhiêu bà mẹ run tay vẫy
Em dắt con đi đón quân về.
VẤN VƯƠNG TAM ĐẢO
Gần trời Tam đảo nhiều mây
Bâng khuâng phố núi giăng đầy sương
rơi
Lạc đường lên tận cỏng trời
Trùng trùng núi biếc, xanh vời vợi
xanh.
Nhập nhòa mây khói vây quanh
Tiếng chim mách lẻo bảo anh lối này
Ngẩn ngơ như tỉnh như say
May mà gặp được em đây dẫn đường.
Nhẹ nhàng em vén mây sương
Đưa nhau xuống dốc phố “vương” cùng
về
Kia rồi đấy quán cà phê
Quanh co dễ nhớ, khó về thế em.
Xin mời em một ly kem
Cảm ơn phố núi gặp em thân tình
Cảm ơn em gái tươi xinh
Mai xa Tam Đảo nghĩa tình vấn vương.
Ngoài trời vẫn mập mờ sương
Để đường phố núi dễ thương khó về.
HỒN THI SĨ
Ngày Tết Nguyên Tiêu ngày Hội thơ
Nơi đây Văn Miếu rực hoa cờ
Quầy bàn la liệt mời mua sách
Quán nhỏ hai bên gọi bán thơ
Giảm giá hai lần thơ vẫn ế
In thêm nghìn cuốn sách còn mơ
Thanh tao thanh nhã hồn thi sĩ
Tuấn kiệt anh linh đáng phụng thờ.
MẸ TÔI
(Mừng thọ mẹ)
Nhà nghèo nuôi dậy bốn người con
Bác Đảng dẫn đường dựng nước non
Thuở ấy lưng ong hừng má thắm
Bây giờ đầu bạc nhạt chân son
Đơn côi xa xứ không cha mẹ
Hội tụ về quê đủ cháu con
Mãi nhớ trong tâm lời mẹ dạy
Đầy vơi chia sẻ tấm lòng son.
CHIỀU SÂN GA
Đón đợi người thân trước sân ga
Người quen không thấy bao người lạ
Còi tàu hú lên như giục giã
Người lại người qua mỗi chuyến tàu.
Tôi thấy một đôi họ ôm nhau
Sụt sùi nức nở nhàu vai áo
Họ định chia tay bao lâu nhỉ
Để còn toan tính chuyện trầu cau.
Tâm sự với cô bán bánh mì
Cô kể chuyện mình lúc phân ly
Người đi đã hẹn ngày trở lại
Mà bao năm thắng chẳng tin gì.
Anh binh nhất vội bước vào ga
Tiễn anh bạn bè cùng trang lứa
Họ nắm tay nhau đầy hứa hẹn
Tuổi trẻ dâng tràn những ước mơ.
Bao nhiêu tuổi đấy hai em gái
Người ra đi là một bạn trai
Ô nhỏ che chung cùng đưa tiễn
Chiều vàng đổ xuống nắng tràn vai.
Hun hút dần xa chuyến tàu dài
Dõi dõi theo chỉ còn một chấm
Vẫn thấy bao nhiêu bàn tay vẫy
Người
đến người đi trước sân ga
PHÚT CHIA TAY
Mùa thi gọi chúng mình vào trang sách
Hoa phượng bừng lên đỏ sắc màu
Vào phòng thi là hồi căng thẳng nhất
Hạnh phúc đến gần lại nghĩ chia tay.
Chúng ta xa nhau bùi ngùi bịn rịn
Tay nắm tay buổi họp lớp cuối cùng
Ta thầm nghĩ mình lớn lên vững chãi
Bước vào đời như cuộc chiến xông pha.
Những tiếng cười giòn tan và trong
trẻo
Không dấu nổi man mác một nét buồn
Những kỷ niệm ấm nồng thời tinh
nghịch
Ta sẽ mang đi suốt cuộc hành trình.
Mai xa rồi mỗi người mỗi ngả
Đừng bao giờ quên những phút giây này
Ta sẽ bắt đầu những ngày tươi đẹp
Tổ Quốc đang cần sức trẻ hăng say.
Ôi phút chia tay lòng bâng khuâng quá
Lá me bay vương trên những mái đầu
Ta sẽ kể về nhau xin đừng ý tứ
Mỗi đứa một đường không biết sẽ về
đâu
MÊNH MANG YÊN TỬ
Mênh mang Yên Tử ngất tầng mây
Đức Phật nước Nam có tự đây
Núi biếc trập trùng, chim vượn hót
Rừng xanh thăm thẳm, quế lan bay
Vua Trần thanh tịnh rời cung điện
Phật tử tĩnh tâm đến chốn này
Lịch sử muôn đời ghi dấu tích
Chùa Đồng nghi ngút khói hương bay.
TRỞ LẠI TRƯỜNG SƠN
Hôm nay trở lại Tường Sơn
Nhớ khi gió núi nhớ cơn mưa rừng
Đông Trường Sơn rét thấu sương
Áo quần ướt sũng bừng bừng sốt cao.
Cùng nhau chung một chiến hào
Thôi anh nằm lại tôi vào sâu hơn
Trườdng Sơn ơi! Hỡi Trường Sơn
Hoang vu rừng núi, dập dần bướm bay.
Đúng rồi đích thực chỗ này
Cách bờ suối nhỏ năm cây gậy Trường
Ni lon gói một nắm sương
Đưa anh về với quê hương xóm làng,
ĐÊM THU
Vạt cỏ gà loang đã ngậm sương
Đâu đây thoang thoảng sữa đưa hương
Đêm Thu lạnh lẽo trăng vằng vặc
Xin hỏi vàng ai vãi xuống đường.
Nhớ mãi đêm Thu nơi xứ lạ
Quên sao buổi ấy gặp người thương
Đan tay dạo bước bên lề cỏ
Một chút vô tình mãi vấn vương.
Sương Thu còn đọng bên bờ lá
Chuông chùa vang vọng phía xa xa
Trăng đã xế tà, đàn khuất núi
Ta tiễn trăng về đêm sắp qua.
VIỆT NAM THẾ RỒNG BAY
Hỡi các nhà sinh học
Có phải từ xa xưa lắm
Trong thiên nhiên có thật con Rồng?
Ở hàng “chi” Mười Hai con giống
“Tý” đứng đầu, “Thìn” đứng mãi thứ
Năm
Trong biểu tượng Rồng cao sang quyền
quyền quý
Nơi đền dài, miếu mạo có Rồng bay.
Ta tự hào!
Thủ Đô Thăng Long một thuở
Đất nước kiêu hùng có tự ngàn xưa
Tạo hóa ơi! Ta cảm ơn nhiều lắm
Đã tạo dựng cho ta một hình hài
Dáng đứng Việt Nam - dáng đứng Rồng
bay.
DẤU CHẤM THAN
Con sông nào cũng đổ về biển cả
Lá vàng rơi, đâu bão táo dập vùi
Đời muốn dài nhưng chống sao quy luật
Dấu chấm than lẫn lộn cả vui buồn.
VIẾNG MỘ TẢN ĐÀ
Về Khê Thượng viếng mộ Tản Đà
Nghiêng mình lặng lẽ viếng hương hoa
Túi thơ đâu nhỉ? Đây bầu rượu
Hay đã cùng thơ cất cánh bay.
CHA MẸ
Bùn dẫu hôi tanh hoa sen vẫn thắm
Cha mẹ dù gì vẫn đẻ ra ta
Công nuôi dưỡng lớn hơn trời biển
Bước vào đời ta mới hiểu nghĩa mẹ
cha.
EM VỀ
Tôi mong em về nhưng lại trốn đi
Hay tôi đã thành viên đá vô chi
Mừng cho em những gì em đã có
Hạnh phúc ngọt ngào có cả máu hồng
tươi.
NỖI ĐAU NGƯỜI LÍNH
Vợ chồng ai chẳng muốn vuông tròn
Anh lên đường làm trọn việc nước non
Trí làm trai không bao giờ nợ nước
Thân làm gái vẫn một dạ sắt son.
Anh trở về khi Mỹ Ngụy đã tan
Hết chiến tranh chưa hết cảnh điêu
tàn
Đất nước đã hoàn toàn giải phóng
Anh ôm em xiết chặt vào lòng.
Hạnh phúc riêng anh chẳng nhiệm màu
Ôi! Hỡi trời anh có tội gì đâu
Mà vợ sinh con thành dị tật
Thiếu chân, thiếu mắt, lại to đầu.
Ôi! Chiến tranh sao lại hóa kéo dài
Tội ác này xin hỏi tại ai?
Tòa án đâu sao không ai minh xét
Đứa trẻ sinh ra cũng một kiếp người.
Ôi! Nỗi đau như dao cắt vào lòng
Những ước mong, khát khao, và sung
sướng
Cháy ruột gan, tất cả thành vô vọng
Thành mạch lệ ngầm chảy ngược vào
tim.
CON THI ĐẠI HỌC
Xưa nhà mình nghèo bố không được học
Bà dỗ danh bố vẫn khóc bao nhiêu
Nghe tiếng trông trường từ xa vọng
lại
Thương bố nhiều bà cũng khóc thầm
theo.
Bữa trước ấy con đi thi đại học
Điều đầu tiên, ôn định chỗ ăn nằm
Và sau đó tìm đường đi nước bước
Đừng uổng công ăn học bấy nhiêu năm.
Những ngày này đường phố sao đông thế
Khẩn trương lên, kéo lại hóa trễ giờ
Mừng với lo trong lòng đang trộn rộn
Làm được bài đó là những ước mơ.
Vào phòng thi con thi kiến thức
Bố ở ngoài liên tục đếm thời gian
Hãy tự tin con làm bài thật tốt
Con đậu rồi bao lo lắng tiêu tan.
Cả nhà ta mừng vui khôn xiết
Lớp tiếp theo con gắng học thành tài
Trong trường đời còn nhiều gai góc
Bố thích nhà mình luôn luôn có hoa
tươi
ĐÔI BỜ
Đôi ngả vô tình một dòng sông
Em bờ bên ấy anh bên này
Đôi bờ ngăn cách cùng chung bến
Chung cả con đò tình đắm say
Những mùa lũ về bờ xa tít
Sông tải phù sa nước đục ngầu
Quay mũi con đò sang bên ấy
Bên này để khách phải đợi lâu.
Nước cạn mùa về sông nhỏ lại
Hai bên ngô lạc lại xanh màu
Con đò qua lại thôi vất vả
Xích lại gần nhau bến đôi bờ.
Thương cho đôi bờ luôn ngăn cách
Trách dòng sông sao nỡ vô tình
Dẫu cho mãi mãi thuyền chung bến
Đến với nhau chỉ có đôi mình.
THƯ CHÚC BẠN
Đôi lời gửi Vũ Minh Thêu
Tình yêu tím cả trời chiều ước mơ
Bằng lăng tím đến thẫn thờ
Mười Hai Xuân ấy vẫn chờ vẫn mong.
Sắt son chung thủy một lòng
Mớ bòng bong đã gỡ xong muộn tình
Soan chồng soan vợ càng xinh
Không còn một nửa một mình đơn côi.
Những đêm vò vó hết rồi
Bây giờ hai nửa một đôi êm đềm.
HÃY CỨU LẤY DÒNG SÔNG
Tôi và em chung một dòng thon thả
Nước gương trong soi bóng lũy tre già
Tuổi học trò ôm bao nhiêu kỷ niệm
Khi con nước về mang nặng phù sa.
Rặng phi lao đôi bờ xanh mướt
Ruộng ven đê điểm trắng mấy co cò
Khi nhớ em anh muốn sang bên đó
Nhưng tiếc thay lại thiếu một con đò.
Tam biệt em anh lên đường nhập ngũ
Nơi chiến trường da diết nhớ quê nhà
Nhó con sông cầu chưa nối nhịp
Những buổi chiều tà anh vẫn bơi qua.
Nay trở về bao nhiêu điều thay đổi
Ai đã xóa em rồi! Xóa cả môi sinh
Nhuệ Giang ơi! Không còn thơ mộng nữa
Hỡi cộng đồng hãy cứu lấy dòng sông.
CÁI NẾP
Những nếp gấp, nếp nhăn đều là nếp
Đã thành nếp rồi rất khó xóa đi
Là nếp đẹp ai cũng mong giữ lại
Nếp xấu bỏ đi bởi nó chẳng hay gì.
Nếp sống cổ xưa, chưa có gì thay đổi
Một ngôi nhà cũ, một lối đi mòn
Dẫu tô son có thể thành huyền thoại
Nếp đẹp - ngàn đời truyền mãi cháu
con.
Những nếp xấu người đời không chấp
nhận
Nếp sống, nếp ăn, nếp ở, nếp nhà…
Từ lao động do con người tạo dựng
Từ ngàn xưa nếp đẹp đã thành lề
Mỗi nơi mỗi nhà có riêng cái nếp
Bếp khói chiều hôm xóm xóm xum vầy
Thanh lịch hào hoa, nếp người thành
phố
Nếp đẹp chung biết chia sẻ vơi đầy.
MỘT ĐÔI
Dạo này không thấy em ra bến
Chỉ ước bên này cũng có chợ phiên
Một tháng đôi lần thấy em qua lại
Cho bớt quanh hưu bớt ưu phiền.
Em về bên ấy chắc em còn nhớ
Dưới triền đê hai đứa bước song song
Chỉ một mình tôi vụng về ngượng nghịu
Đưa kách sang sông, khách chẳng bận
lòng.
Sông cứ chảy vô tình chia hai lối
Bên đục bên trong mà vẫn chung dòng
Bên kia bồi đắp, bên này thì lở
Chiều chiều ngắm sông, day dứt trong
lòng.
Tôi rất thích hoa một bông cắm lọ
Để gửi tặng em, nhưng đã muộn rồi
Thôi chúc em đời đời hạnh phúc
Tình bạn ngọt ngào, mình vẫn chung
đôi.
ĐẾN CHÙA THÔNG
Những lần tôi đến chùa Thông
Hương lan ngan ngát mênh mông xóm
chùa
Cây cao cành cả gió đùa
Dập dìu lữ khách vào chùa viếng thăm.
Ngày Tuần mồng một, ngày rằm
Tiếng chuông tiếng mõ, rì rầm tiếng
kinh
Nghĩ người lại nghĩ tới mình
Tĩnh tâm, thanh thản, nghĩa tình là
đây.
Sân chùa rợp mát bóng cây
Người lui, người tới đong đầy đường
tu
Xa đưa vọng lại lời ru
À ơi! Con ngủ mẹ tu đường đời
Chùa Thông 30.4.2011
ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY – “HÀ NỘI VÀO
ĐÔNG” CỦA NGHIÊM THẢN
HÀ NỘI VÀO ĐÔNG
Mái tóc em thôi vương mùi hoa sữa
Cỏ công viên sương ướt chỗ mình ngồi
Đèn cao áp như mờ hơn một chút
Thương cây bàng một mình đứng đơn
côi.
Dạo đường Thanh Niên em quấn thêm
khăn cổ
Cái rét đầu mùa làm em nhớ đến anh
Quanh đống lửa xòe tay tìm hơi ấm
Nơi đảo xa anh có nhớ đất Hà thành.
Góc phố nhỏ thoảng đưa mùi ngô nướng
Thú ăn quà người Hà Nội xưa nay
Gói lạc rang trong lòng tay âm ấm
Anh có về tìm lại chút men say.
Hà Nội vào Đông không anh em buồn lắm
Hàng liễu bên hồ vẫn buông thả mành
xanh
Em chờ anh - em chờ hơi ấm
Anh chậm về em sợ cạn mùa Đông.
Lời bình: của Xuân Hiến
Khi những đàn sếu
dang rộng cánh bay trên bầu trời về phương Nam để tránh rét, không khí se lạnh
trùm lên mọi lối, là dấu hiệu mùa Đông đã về, và nguồi cảm hứng thi, ca, nhạc,
họa lại ngân lên trong lòng các văn nghệ sĩ. Nhạc sĩ Trương Quý Hải trong bài “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” có
những ca từ rất đẹp:
“Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa
Cái rét đầu Đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh
Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp
Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về.
Hà Nội mùa này chiều không buông nắng
Phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô
Quán cóc liêu xiêu một câu thơ
Hồ Tây, Hồ Tây tím mờ”.
Với Nghiêm Thản
vừa là nhà nghiên cứu phê bình văn học,
vừa là nhà thơ, chắc hẳn anh viết phải có trách nhiệm với từng câu chữ của
mình. Trong thi phẩm “Hà Nội vào Đông” lại
thể hiện bằng những lời thơ dịu ngọt:
“Mái
tóc em thôi vương mùi hoa sữa
Cỏ
công viên sương ướt chỗ mình ngồi
Đèn cao áp như mờ hơn một chút
Thương cây bàng một mình đứng đơn côi”.
Khổ đầu với 4 câu là một bức tranh thật đẹp, mỗi câu thơ là
một hình ảnh rất thân thương “Mái tóc em/
cỏ công viên/ sương ướt/ đèn cao áp như mờ hơn/ cây bàng đứng đơn côi”. Đây
chính là tính họa trong thơ, cả khổ thơ là một bức tranh thật đẹp và lãng mạn,
rất giàu hình ảnh.
Một mùa Đông rất
riêng của Hà Nội được tác giả mở đầu bằng câu “Mái tóc em thôi vương mùi hoa sữa” cho ta thấy câu thơ đẹp, chất
lãng mạn trong thơ bay bổng đến diệu kỳ. Thật tuyệt vời! Phải chăng mùi hoa sữa
thôi vương, thôi vương trên mái tóc em còn phảng phất trong anh. Các hình ảnh “Thôi vương mùi hoa sữa, cỏ công viên, sương
ướt/ đèn cao áp như mờ hơn” là những kỷ niệm đẹp của tình yêu đôi lứa và
cũng là dấu hiệu đã sang Đông. Đây cũng là cách viết, cách dẫn dắt độc giả vào
một mùa Đông thật đẹp thật thanh bình.
Ở đây ta thấy nếu 3 câu trên của khổ đầu nhắc đến ngoại cảnh
thì câu thứ 4 là câu kết “Thương cây bàng
một mình đứng đơn côi” lại là một hình ảnh rất mùa Đông. Nhà thơ Nghiêm Thản đã biến hình ảnh “cây bàng đứng đơn côi” thành hình tượng
(em) người con gái. Thương cây
bàng hay thương người đang lẻ bóng, đang cần hơi ấm của tình yêu.
Đến đây tôi càng
thấm thía lời tâm sự của anh trong những lúc đàm đạo văn chương anh vẫn nói: “Mình là người cầm bút cần phải trải lòng
mình với con người và sự vật, và phải có trách nhiệm với từng câu chữ của mình
trước khi phát tán”. Câu thơ khiến người đọc thấy se lòng và tôi lại nhớ
đến những câu thơ của Lưu Trong Lư:
“Tôi thấy tôi thương
những con tàu
Ngàn đời không đủ sức
đi mau
Có chi vương vấn trong
hơi máy
Mấy chiếc toa đầu nặng
khổ đau”
(vu vơ)
Lưu Trọng Lư thương những con tàu hay
thương người đi xa, và vương vấn hơi máy hay vấn vương tình thương trước cảnh
chia ly. Khi mùa Đông đã hiện hữu thì
cảm xúc càng trở nên dào dạt và ào ạt như tuôn chảy, càng nhớ tới người thân
nơi mênh mông biển đảo. Câu thơ rất giản dị mang hơi thở của tình yêu đôi lứa
nhưng cảm xúc lại mang đầy tính tư tưởng, khiến người đọc muốn gần gũi nhau
hơn, yêu đất nước hơn:
“Dạo đường Thanh Niên
em quấn thêm khăn cổ
Cái rét đầu mùa làm em
nhớ đến anh
Quanh đống lửa xòe tay
tìm hơi ấm
Nơi đảo xa anh có nhớ
đất Hà thành”
Đường Thanh Niên là xứ xở của tình yêu, là nơi trai gái hẹn
hò. Với cái rét đầu mùa khiến nỗi nhớ trong lòng người con gái càng thêm dâng
trào. Bởi đây chính là tình yêu đích thực, Họ lo lắng cho nhau, trách nhiệm với
nhau, thương nhau. Người đời cho rẳng:
“Yêu thì phải nhớ, nhớ nhung là biểu cảm của tình yêu”. Ở đây những chất
xúc tác diệu kỳ nên nỗi nhớ càng thêm da diết “Quanh đống lửa xòe tay tìm hơi ấm”. Câu thơ rất thật như câu nói
thường ngày, nhưng đầy tính ước lệ. Lẽ đương nhiên sưởi lửa thì chỉ để tìm hơi
ấm. Nhưng người con gái kia tìm hơi ấm của lửa hay tìm hơi ấm của tình yêu. Câu
thơ thật thi vị, dung dị mà ngọt ngào.
“Nơi đảo xa anh có nhơ đất Hà thành” Một câu hỏi tu từ được bung ra làm câu
kết của khổ thơ, rất thật mà ảo. Anh có nhớ đất Hà Nội hay anh đã quên em, câu
thơ như hờn như giận, lại như nũng nịu với người mình yêu. giọng thơ đầy nữ
tính. Nhưng lại như lời nhắc nhở khéo léo và như văng vẳng câu nói của anh
trước lúc lên đường rằng em yêu ơi! Hãy yên lòng, vì từ xưa đến nay những chàng
trai Hà Nội bao giờ cũng nhớ đến người thương như nhà thơ Quang Dũng đã nói hộ:“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” (Tây
tiến)
Thi phẩm “Hà Nội vào
Đông” của Nghiêm Thản còn mang
theo cái nhìn tinh tế, rất riêng của người Hà Nội mà ít các đô thị, các địa
phương khác có được là “Thú ăn quà” đêm,
nắm lạc rang, bánh đa, ngô nướng không phải cho no bụng mà cho thơm miệng:
“Góc phố nhỏ thoảng đưa mùi ngô nướng
Thú ăn quà người Hà Nội xưa nay
Gói lạc rang trong lòng tay âm ấm
Anh có về tìm lại chút men say”.
Đó là cái nét rất riêng, rất thanh lịch, rất đẹp của người
Tràng an, của người Hà Nội. Từ mùi lạc rang ngô nướng tác giả đã khẳng định đó
là “Thú ăn quà người Hà Nội xưa nay” như
để giới thiệu với mọi người một nét văn hóa của người Hà Nội. Cuối khổ thơ Nghiêm Thản lại đặt ra câu hỏi nữa “Anh có về tìm lại chút men say”, nếu như
câu hỏi trên “Anh có nhớ”thì ở đây “Anh có về” điệp khúc này không chỉ để
nhấn mạnh thêm cái khao khát, nỗi nhớ của người đang yêu, mà còn tăng tiến lên
để “tìm chút men say”. Câu thơ mang
nhiều tầng ý nghĩa, đa chiều đa dạng, vừa là tìm cái gì rất thân quen của người
Hà Nội vừa là tìm cái hương vị say đắm của tình yêu dù chỉ một “chút” thôi, cũng đã đong đầy hạnh phúc,
cũng đã say rồi.
Bài thơ như câu chuyện tình thật đẹp có nhân vật anh và em
nhưng lại không phải là câu chuyện mà chỉ là những tâm sự của một cô gái đất Hà thành làm hậu phương cho các chiến sĩ nơi
địa đầu Tổ quốc. Đến khổ cuối cùng cô gái mới bọc bạch tâm trạng của mình:
“Hà Nội vào Đông không anh em buồn
lắm
Hàng liễu bên hồ vẫn
buông thả mành xanh
Em chờ anh - em chờ hơi
ấm
Anh chậm về em sợ cạn
mùa Đông”.
Chỉ với cụm từ “không
anh em buồn lắm” cũng đã nói lên tình cảm dành cho người thương như thế
nào. Mùa Đông và cảnh vật Hà Nội vẫn còn đó
“Liễu vẫn buông mành xanh” để làm duyên bên hồ mà thiếu vắng anh vì vậy “buồn lắm” là điều dễ hiểu. Nỗi nhớ nỗi
buồn bỗng cất lên thành tiếng lòng khắc khoải “em chờ anh - em chờ hơi ấm” điệp ngữ “em chờ” như tiếng đàn réo
rắt, anh và hơi ấm còn đồng nhất với nhau qua ký tự gạch nối (-), đó còn là sự biểu hiện khát khao
cháy bỏng trong lòng. Câu kết đột ngột chuyển hướng bằng lời lo lắng “Anh chậm về em sợ cạn mùa Đông”. Giai
điệu càng nữ tính hơn, thỏ thẻ, thủ thỉ tâm tình phải chăng người con gái sợ chàng trai về
muộn sẽ cạn đi cái thi vị tình yêu đôi lứa của mùa Đông. Dù sao đây cũng là cái
khao khát và lời nhắn nhủ của tiếng lòng đến với tiếng lòng nơi biên cương hải
đảo. Câu thơ mang đầy tính tích cực của tình yêu.
Tình yêu vốn có cung
bậc và tần số riêng. Thi Phẩm “Hà Nội vào
Đông” cũng giao thoa trên tần số đó. Mặc dù tác giả nói đến nỗi nhớ nhung, nỗi buồn, sự chờ đợi, lòng mong mỏi…
nhưng không hề bi lụy. Trái lại rất lạc quan như một động lực để các chiến sĩ
yên tâm có một niềm tin nơi hậu phương vững chắc. Hạnh phúc sẽ dâng tràn.
Hà Nội 2.2012
Nhà thơ: Xuân Hiến