Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Tác phẩm mới


                                  CHA MẸ


Bùn dẫu hôi tanh hoa sen vẫn thắm
Cha mẹ dù gì,vẫn đẻ ra ta
Công nuôi dưỡng lớn hơn trời biển
Bước đời ta càng hiểu nghĩa mẹ cha


              HÔN MÊ

      Người ta ngủ được là tiên
Con mình ngủ được là tiền mất đi
      Con ơi ! Hãy tỉnh dậy đi
Con còn ngủ nữa còn suy kiệt nhiều .

                                   BV Việt Đức
                                27-Tết Tân Mão

             VƯỜN ĐÀO

      Vườn đào mà chẳng thấy đào
Nơi đây bút tích họ Cao vẫn còn 1
      Bình thơ chót vót trên non
Câu thơ ý đẹp chảy mòn đá xanh.

                           Chùa Thầy-3- 2011
                               

    THĂM MỘ TÀN ĐÀ

Về Khê Thượng thăm mộ Tản Đà
Nghiêng mình lặng lẽ viếng hương hoa
Túi thơ đâu nhỉ ? Đây bầu rượu
Hay đã cùng thơ cất cánh bay.
       

                                                                  
                                      1 Cao Bá quát
                                                              MỪNG ĐẠI THỌ
        GIÁO SƯ VŨ KHIÊU

ANH HÙNG VÀ NGHỆ SĨ
                             (Bài xướng)
Tuổi non thế kỉ ý quang minh
Duyên nợ văn chương nhất nghệ tinh
Câu đối tài hoa tôn đạo lí
                                              Chúc văn trang trọng tế thần linh
Anh hùng nghệ sĩ ngời công đức
Cách mạng triết gia thắm nghĩa tình
Bách tuế thân tằm còn nhả chữ
Trọn đời vì nước vị nhân sinh
.
                                       Tạ Minh Tâm



ANH HÙNG VÀ NGHỆ SĨ
                     (Bài họa y đề ,y vận)
Tuổi tiên đại thọ vẫn thông minh
Trí tuệ tài cao, đã kết tinh
Lai láng văn chương danh tuấn kiệt
                                              Tràn đầy thơ phú, bậc anh linh
Anh hùng lao động dầy nhân đức
Nghệ sĩ tài hoa đượm chí tình
Theo Đảng suốt đời luôn tận tụy
Về già hưu trí khỏe dưỡng sinh.

                                      Nghiêm Thản




                                         

                                                     


                                          MỪNG ĐẠI THỌ
   GIÁO SƯ VŨ KHIÊU

ĐẢNG MẾN DÂN YÊU
                        (Bài xướng)
Chín bẩy mùa xuân quí tuổi già
Bẩy mươi đầu sách đẹp như hoa
Tôn vinh văn hiến vì dân tộc
Coi trọng nhân tâm với Quốc gia
Sự nghiệp văn chương cao trí tuệ
Công lao nghiên bút sáng thơ  ca
Anh hùng lao động thời kì mới
Đảng mến dân yêu sống thuận hòa .

                                    Nguyễn Huy Đài


TẤM GƯƠNG SÁNG
                          (Bài họa )
Từ thuở thanh xuân đến lúc già
Suốt đời chẳng nghĩ đến vinh hoa
Say sưa nghiên cứu vì non nước
Mải miết việc nhà giúp tộc gia
Nghiệp lớn, văn chương đời mến phục
Công to, bút tích mãi ngời ca
Xứng danh tâm trí dài muôn thuở
Nhường dưới kính trên sống chan hòa.

                                      Nghiêm Thản





                                               

                                             NGHỀ CẮT TÓC
            (Tặng em Minh)

Trời phú cho tôi một cái nghề
Đè cổ, vít đầu chẳng ai chê
Đôi lần một tháng cần tìm đến
Mặt mày sáng sủa lúc ra về.


                                                      TÓC MÂY

Vô tình nhìn xuống chậu nước đầy
Thấy mái tóc mình chạm phải mây
Bồng bềnh mây tóc hòa làm một
Mơ hồ, đâu tóc mình, đâu mây.

Heo may,mặt nước lao xao gió
Hay tứ thơ buồn giọt xuống đây
Làm nhòa đi sắc mây và tóc
Ta hiểu mùa thu đã chín đầy.

Tiếng thu lảnh lót, thu trong trẻo
Sợi nắng, sợi trời thả buông tơ
Thu rất trẻ thu không có tuổi
Thu mật vàng sóng sánh ước mơ.

Vẫn biết sông đổ về biển cả
Lá vàng rơi tìm gốc cội nguồn
Thơ đã tiếp cho đời sức sống
Thu về, đầu thi sĩ vương mây.

                                          Thu 2012
                                                                              THÁNG HAI
                                   (Tặng cháu Vũ)
      Hương bưởi, hương chanh len quanh ngõ
Bông Hồng Trà vẫn đỏ không phai
      Vẫn còn cái rét tháng hai
Vẫn còn lất phất, lai rai mưa phùn

      Dưới ruộng sâu mùi bùn ngai ngái
Trên đồng mầu cà lại tươi xanh
                                                      Tiếng chim lảnh lót trên cành:
-Em ơi hết hội cùng anh vào mùa

      Anh ngắm em gió đùa tóc rối
Em ngượng ngùng, em vội quay đi
      Người ta làm lễ vu qui
Thì em có ngượng lúc đi lấy chồng

      Ai đẹp đôi trên đồng vun xới
Ai thẹn thùng khi mới biết yêu
      Trên cao vi vút sáo diều
Dưới đồng xanh mướt những điều yêu thương

      Hoa cây gạo bên đường thắm đỏ
Hai đứa mình đã tỏ tình xuân
                                                      Anh đi nhập ngũ tòng quân
Xóm làng, bè bạn tiễn chân, em chờ.

                                               Tháng 2- 2012



                                                              ĐẾN VỚI SỰ
                                   MẤT CÒN CỦA CON TIM

                                                Trái tim     

                                              Cái còn nó vẫn còn đây
Bao nhiêu cái mất chất đầy con tim
      Lắm khi chống gậy đi tìm
Khuấy trong kí ức nổi chìm không ra
      Thôi đừng xáo xới tim ta
Đất trời đã khéo sinh ra mất còn
      Trái tim múa những nét son
Họa con chim hót véo von tình đời

                                    Tích Tuấn

  Lời bình

  Người ta thường nói từ trái tim đến khối óc. Những dự định lớn lao, những kế hoạch ngắn dài, những ước mơ hoài bão, những tính toán mưu sinh v.v… hiển nhiên là sự vận động của khối óc. Nhưng nói đến trái tim người ta  nghĩ ngay đến tình cảm của mỗi con người, phải chăng trái tim cũng biết suy nghĩ, bởi sự buồn vui, hờn tủi, yêu thương, đau khổ, hạnh phúc và căm ghét người ta thường nghĩ đến con  tim . Con tim rung lên khi nhận được tình yêu ngọt ngào, và hạnh phúc. Chết lịm con tim khi nhận lấy khổ đau. Khắc khoải, tủi hờn  khi tình yêu tan  vỡ. Con tim trở thành chai sạn khi trải qua những mất mát thăng trầm …
       Con người ta bắt đầu  từ lúc chào đời đã  biết nhận và cho . Đầu tiên là  nhận những tinh túy tinh hoa của vũ trụ, đất trời, rồi đến dòng sữa ngọt ngào ấm nóng của mẹ, nhận được tiếng ru à ơi, những tình cảm yêu thương trìu mến của chị, của anh, cô dì, chú bác,và những người thân, nhận được mầu xanh của lá, mầu đỏ của hoa, tiếng chim lảnh lót trên cành… Cho là cho tiếng khóc chào đời , nụ cười xinh xắn trên môi, cho cái hạnh phúc đến với gia đình, người thân và nhân loại . Trong cuộc đời của  mỗi con người, tài sản quí giá nhất là tình cảm, thế mà cũng có lúc mất đi ít nhiều . Câu thơ đầu tiên của nhà thơ Tích Tuấn trong bài “TRÁI TIM” ông viết :
                                          “Cái còn nó vẫn còn đây”
     Phải chăng đây là tiếng nấc cuộc đời, để trái tim thổn thức, khắc khoải, trống vắng, bi thương vì :
                                          “Bao nhiêu cái mất chất đầy con tim
     Câu thơ rất ảo mà lại thật, khiến người đọc phải ngậm ngùi, xót xa. Đó cũng là sự  thành công  của  người cầm bút khi chuyển  tải tình cảm vào thơ, để câu thơ thêm đậm đà mầu sắc .
                                                          - 1 -
      Bài thơ sinh động lên khi tác giả đặt ra tình huống mất, còn:“Cái còn nó vẫn còn đây”. Thật là trớ trêu, giữa cái còn và cái mất, cái  còn  thì còn  mãi  không  bao giờ mất, nó đi theo con người ta đến tận cùng năm tháng của cuộc đời. Cái còn càng nhiều  bao nhiêu, thì trái tim lại càng tan nát, day dứt,vò xé, đau khổ , luyến tiếc cái mất bấy nhiêu, muốn đánh đổi cũng không đổi được . Bởi nó là những kỉ niệm  buồn vui, những chia sẻ vơi đầy, những yêu thương mặn mà nồng cháy trong tim, đã ghi xương khắc cốt, không  bao giờ quên  được . Còn cái mất đã  bay xa vào vũ  trụ tâm linh huyền bí, cho dù một lần, hai lần và nhiều lần, thậm chí đến lúc hơi tàn sức yếu phải  “chống gậy đi tìm”  và “ khuấy” trong ngân hàng “kí ức nổi chìm”cũng không bao giờ thấy được, mà chỉ thấy những  tình cảm yêu thương trìu mến của những ngày xa xưa .
     Tôi cũng đã từng an ủi một vợ liệt sĩ bằng những vần thơ :
                                     “ Thôi em đừng đào bới những thiên thu
                                        Nơi nghĩa địa tìm đâu ra hơi ấm
                                        Hãy giữ lấy mầu xanh bích ngọc
                                        Số phận một phần, đông hết phải sang xuân”
                                                                                                ( Sang xuân- N.T )
     Nhưng cũng không thể nào làm vơi đi nhưng nỗi khổ đau  đang giằng  xé tâm can trong sự mất còn . Cũng như tác giả đau đáu trong lòng khi viết những câu :
                                          “Thôi đừng xáo xới tim ta
                                       Đất trời đã khéo sinh ra mất còn”
     Đó cũng là lời an ủi vỗ về . Song tất cả như có sự sắp bày của qui luật tạo hóa:
                                      “ Con sông nào cũng đỏ về biển cả
                                      Lá vàng rơi – đâu bão táp dập vùi
                                      Đời muốn dài nhưng chống sao qui luật
                                      Dấu chấm than lẫn lộn cả buồn vui ”.
                                                                    (Dấu chấm than của N.T)
     Vết thương  nào rồi cũng thành  sẹo, nỗi  buồn  nào rồi cũng vơi đi . Sau cơn giông tố thì trời lại sáng. Sau những mất mát đau thương hờn tủi “Trái tim” quằn quại giờ lại :
                                    “ …Múa lên những nét son
                                    Họa con chim hót véo von tình đời .”
     Bài thơ viết rất có hậu, chỉ với tám câu lục bát ngọt ngào, dung dị, đằm thắm,ngọt ngào khá nhuần nhuyễn ngôn từ rất đời thường, không cầu kì không lên gân, tác giả đã mưu tả được sự nhạy cảm của con tim . Đó là tình cảm của những con người biết vui, biết  buồn, biết hờn biết tủi, biết đau thương và biết vươn lên đỉnh cao của cuộc sống, là “Tiếng chim hót véo von tình đời ”. Cảm ơn nhà thơ  Tích Tuấn  đã cho  độc giả thấy sự thăng trầm chìm nổi của con tim. Xin ông Hãy “giữ lấy những gì ta đã có / Hạnh phúc ngọt ngào có cả máu hồng tươi”.

                                                                                 Nhà thơ  Nghiêm Thản
                                                          
                                                             - 2 -
     
TÌM VỀ ĐẤT TỒ

Em tươi trẻ, áo mớ ba mớ bẩy
Nón quai thao, quàng tay chẳng đội đầu
Em làm duyên, lưng xanh đeo xà tích
Câu hát xoan, ôn lại thuở vua Hùng .

Khăn mỏ quạ, em má đào yếm thắm
Theo câu hát, anh về núi Hi Cương
Nương rãy xanh rờn, ngô khoai lúa
Bánh chưng, bánh dày thơm dẻo đất sông Thao.

Cả nước hướng về ngày giỗ Tổ
Đất nước mình có tên tuổi từ đây
Khắp muôn ngả, đổ dồn về Phú Thọ
Nhận anh em, chung dòng máu Lạc Hồng.

Từ thành Cổ Loa An Dương Vương dựng nước
Đến thành Thăng Long, thế hệ chúng mình
Nước có giặc cùng lên đường giết giặc
Xây dựng non sông, khi đất nước thanh bình.

                                     Đền Hùng 10- 3 2012










                                                 ĐẾN BÀ NÀ

Có những điều vừa quên, vừa lạ
Tôi đến đây, đến đất Bà Nà
Cũng nhấp nhô, trập trùng núi biếc
Thác tung bọt trắng, nắng tràn qua.

Bồng bềnh cáp treo trên cao lộng gió
Cúi nhìn nước non xanh ngắt một mầu
Đâu rừng nguyên sinh, đâu phố núi
Lẩn vào mây bạc, như lạc cõi tiên .

Chùa Linh Ứng linh thiêng đức phật
Vườn Lộc Uyển rập rờn cánh bướm bay
Nơi Động Tiên rêu long lanh nhũ đá
Núi Chúa vươn mình cao ngất từng mây .

Tính tò mò tôi tìm nơi hoang dã
Vén dây leo, len lỏi vào rừng
Kì diệu quá, xin cảm ơn tạo hóa
Đá nứt ra, nước chảy mãi không ngừng .

Chuông điện reo, nghe tiếng gọi Sơn Trà
Chào Bà Nà chúng tôi xin tạm biệt
Chưa biết thì bây giờ đã biết
Có một vùng tiên cảnh giữa miền Trung.

                                           Bà Nà 7 – 2010



                                                    VỀ CỐ ĐÔ HOA LƯ

Sông suối quanh co vỗ mòn đá núi
Một vùng hang động vẫn nguyên sơ
Non nước hữu tình đẹp hơn tranh vẽ
Vách đá rêu mờ, ai đã đề thơ .

Đàn dê núi, nuôi thả dông ngơ ngác
Mấy chú cò mò tép ở ven sông
Chim ríu ran kéo nhau về làm tổ
Rừng nguyên sinh đậm nét chút men nồng.

Những đoàn thuyền vào ra tấp nập
Như một thời quân sĩ tập thủy binh
Cô lái đò thành hướng dẫn viên du lịch
Nước Tràng An soi bóng núi Ninh Bình.

Một vùng miền hóa Hạ Long trên cạn
Nước non xanh, xanh ngắt một mầu
Cờ lau vẫn trắng bờ sông suối
Nhớ ngày nào, tập trận thuở chăn trâu.

Trẻ mục đồng thành anh hùng dựng nước
Đường thủy suối sông, hóa những chiến hào
Núi rừng trùng điệp, tạo vây thành vững chãi
Đất kinh thành rạng rỡ cố Hoa Lư.

                                                   Hoa Lư 4 – 2010



                                               ĐƯỜNG LÂM

                                              Chùa Mía cùng với Đường Lâm
Qua bao năm tháng thăng trầm nổi trôi
      Đường Lâm cao thấp gò đồi
Một khu làng cổ cái nôi sinh thành
      Quán hàng mát bát chè xanh
Chè lam, bánh tẻ ngọt lành chân quê
      Trải bao mưa nắng giãi giề
Vẫn phiên chợ Mía đi về có nhau
      Giữa làng cao thấp hàng cau
Rặng duối xanh màu, voi buộc bấy lâu
      Hàng nghìn năm tuổi dãi dầu
Vẫn xòe bóng mát che đầu đàn trâu
      Thắm môi cắn chỉ miếng trầu
Nhớ nhau sông Tích bắc cầu sang chơi
      Đất thiêng oanh liệt một thời
Hai vua một ấp, ngời ngời sử xanh
      Đất lành hội tụ hùng anh
Họ Ngô rạng rỡ, lừng danh họ Phùng(1)
                                              Đường Lâm thơm thảo khôn cùng
Hai Bà(2) quê ngoại cũng vùng Đường Lâm
      Ngoài trời mưa rắc lâm thâm
Chợ thu, mua mớ hồng ngâm làm quà .

                                         Đường Lâm 8- 2009

                   
                    (1)Ngô Quyền, và Phùng Hưng
                    (2) Hai Bà Trưng

                                                         NHẬN VÀ CHO

Nghĩ cuộc đời nhận cho , cho nhận
Mình đã nhận gì , những gì mình cho ?
Cho và nhận có cái gì sòng phẳng ?
Có kẻ nhận nhiều , mà chẳng thấy cho .

Bé sinh ra đã biết cho và nhận
Bé chào đời cho tiếng khóc u oa
Cho mọi người những nụ cười mụ dậy
Có phải chăng đó là những tấm quà .

Bé nhận được sữa thơm và ánh sáng
Những tinh hoa tinh túy của đất trời
Hương sắc của hoa , mầu xanh của lá
Tiếng chim kêu ríu rít ở trên cành .

Lớn lên bé được may quần áo mới
Được đến trường cùng bè bạn , thầy cô
Bé học giỏi là cô thầy hạnh phúc
Sức khỏe tràn đầy là đã được niềm vui.

Lớn lên nữa, bé trở thành người lớn
Được yêu , được thương , và biết giận hờn
Được trao nhau những nụ hôn nồng cháy
Cho đi nhiều rồi sẽ được phần hơn .

Cho và nhận có cái gì hơn thiệt
Cứ cho đi , rồi ta sẽ được nhiều
Cứ cống hiến tài năng và sức lực
Ta yêu đời , thì đời sẽ yêu ta .
ANH LÀ NGƯỜI THỢ

Tình cờ, em lại được gặp anh
Em sững sờ ngạc nhiên đôi chút
                                        Đời nghĩ anh là người cầm bút
Mà sao cờ-lê, mỏ-lết lại quanh mình ?

Em vô tư, lại hóa vô tình
Là nhà thơ , hay anh là người thợ ?
Mầu áo xanh vương mùi dầu mỡ
Bao câu thơ lỡ nhịp những ngày hè .

Ve khản giọng trên những hàng me
Anh tạo gió giữa trưa hè không nghỉ
Đầy trách nhiệm , và yêu nghề tận tụy
                                        Cho mọi nhà có gió mát dịu êm .

Sợ mai kia, xa nhau rồi sẽ lỡ
Rụt rè, em lấy cớ sửa bàn là
Để nghe nốt bài ca người thợ
                                        Tới đoạn kết , em mới chợt hiểu ra .

Xếp bút nghiên anh vẫn tìm cảm xúc
Từ hơi thở mịn màng ,em ở bên anh
Từ những đồ hỏng hồi sinh đẹp lại
Từ những vòng quay máy chạy đều đều .




           MỘT MÌNH
                   (Tặng A.S)

      Người ta đi đến chợ tình
Để tìm hơi ấm của mình ngày xưa
      Chợ tình trời rắc bụi mưa
Vít cong cần rượu, say sưa điệu khèn .

      Nhập nhoạng sương, lấp lóa đèn
Một mình rượu đắng , ai quen , một mình!
      Tìm ai ở chốn chợ tình ?
Em nơi phố thị lung linh đèn mầu .

      Còi xe xen lẫn còi tầu
Tim anh thắt lại bạc mầu núi non
      Cái gì mất , cái gì còn
Vẫn con suối nhỏ chảy mòn đá xanh .

      Còn nơi em đã cùng anh
Tâm tình tay ấp, ước thành lứa đôi
      Bây giờ thôi đã mất rồi
Em ra phố thị , còn tôi một mình .

                                               Sa Pa 2011







             NGÀY XƯA
             (Tặng hương hồn cha)

      Ngày xưa một mẹ một con
Bởi cha khuất bóng , gót son mất chồng
      Má hồng phải chịu phòng không
Vì dân , vì nước mà chồng hi sinh
      Đến khi đất nước thanh bình
Một con , một mẹ mưu sinh hàng ngày
      Cuộc đời nuốt đắng ngậm cay
Được chia ruộng đất mặt mày nở hoa
      Theo u đi chợ ăn quà
Gánh tôi một nửa , nữa là khoai lang
      U tôi mua sắm đồ hàng
Nào thúng , nào cót , nào sàng , nào nia
      Sắm thêm bát đĩa , môi thìa
U nói với bạn ngày kia giỗ chồng !
      U tôi gánh gánh , gồng gồng
Còn tôi chạy bộ xách lồng gà con
      Cho dù nước chảy đá mòn
Trong tôi nhớ mãi , vẫn còn ngày xưa…

                                             Ngày 27- 7 2012









          EM ÁO TRẮNG

Em áo trắng đến giảng đường đại học
Sách vở mới , còn trinh trắng tinh khôi
Cha mẹ chắt chiu , tiền học qui ra thóc
Thấy xót xa , xen lẫn những bồi hồi .

Em áo trắng hồn nhiên và thơ dại
Lòng nao nức , ngơ ngẩn buổi tựu trường
Mơn mởn mới , em cái gì cũng mới 
Mới bạn bè , mới lớp , mới tình thương…

Thời gian đi qua , từ quen thành cũ
Có ngờ đâu em cái mới đang nhiều
Bài học mới , tiền mẹ cha mới gửi !
Đừng bao giờ bỏ học , mới biết yêu .

Em lớn lên từ củ khoai, hạt thóc
Vào đại học như chim mới tập chuyền
Xa rời tổ , chưa đủ đầy lông cánh
Cha mẹ dõi theo những nhịp sống đô thành .

Em áo trắng như hoa vừa mới nở
Tinh khiết, ngọc ngà, đượm sắc hương
Ong bướm , hoa thơm , và mật ngọt
Khó lường thay những cám dỗ đời thường .

Cứ mỗi lần mùa thi hoa phượng nở
Mẹ âu lo , cha sốt ruột con mình
Em áo trắng biết không cô bé
Hãy sống sao cho vẹn nghĩa , trọn tình .    
    BÂY GIỜ THUỐC LÁ
      LÀ MA TỬ THẦN

      Ngày xưa thuốc lá rất thơm
Không nghiện sau mỗi bữa cơm vẫn dùng
      Người cao sang, kẻ khốn cùng
Lập lèo điếu thuốc ung dung với đời
      Quí nhau rút thuốc ra mời
Chiều chiều “trà lá” thấy đời vi vu
      Thuốc thơm khoái trá gật gù
Cưới xin đủ thuốc lời ru không buồn
      Mưa dầm ướt cánh chuồn chuồn
Chung nhau điếu thuốc, tay chuyền tay nhau
      Bây giờ ngửi thuốc mày chau
Nghiện mà muốn hút, ra sau hiên nhà
      Ngày xưa thuốc lá làm quà
Bây giờ thuốc lá là ma tử thần
      Tò mò xin hỏi xa gần
Tại sao không được một phần ngày xưa ?
      Đã nghiện thì cố mà chừa
Mong cho người hút sẽ thưa thưa dần .
     







    
          NGƯỜI DƯNG

      Anh người dưng , em cũng người dưng
Xa nhau gặp lại mừng mừng, nao nao
     Ước gì cách một bờ rào
Để khi xuân chín mận đào gặp nhau
     Ước gì ngan ngát hương cau
Luồn qua cửa sổ phía sau em nằm
     Ước gì như ánh trăng rằm
Lọt vào tận chỗ con tằm nhả tơ
      Sao mình cứ nghĩ vu vơ
Của nhau không phải , vẫn mơ chung đường .




 



  


  




                                                             VẪN CHỜ

      Nghe câu quan họ người ơi
Liền anh liền chị có vơi nỗi lòng
      Bây giờ lưng mẹ đã còng
Nghe câu hát đối vẫn mong gặp người
      Tháng năm cho đến tháng mười
Liền anh, liền chị tiếng cười giòn tan
      Ai bày cái cảnh nhân gian
Yêu nhau không lấy, trăng ngàn vẫn mơ
      Suốt đời vẫn đợi, vẫn chờ
Chờ ngày hội đến, chờ thuyền sang sông
                                                      Liền anh những ngóng cùng trông
Liền chị có chồng vẫn hát giao duyên
                                                      Người ơi người tựa mạn thuyền
Phải duyên thì lấy, lệch duyên vẫn chờ
      Vẫn chờ ngày hội trong mơ
Hát câu quan họ thẫn thờ bên nhau
      Nghe câu hát sắc dao cau
Ý thơ khắc khoải như trầu mặn vôi
      Yêu nhau không lấy đành thôi
Liền anh, liền chị từng đôi nghĩa tình









                                                Xin chia sẻ với tác giả Dương Tùng Giang
                                                Qua bài thơ: “Nỗi đau Đi-ô-xin 

NỖI ĐAU ĐI-Ô-XIN

Từ chiều ấy con đi không về nữa
Chẳng ngày nào cha không gọi tên con

Con chào đời trong tay mẹ bao dung
Con ra đi trong tay cha bất lực
Cha run rẩy vuốt cho con đôi mắt
Con lặng im như đang giấc ngủ sâu .

Cha bàng hoàng gục xuống giữa cơn đau
Chiếc hòm gỗ mầu son rực lên như hòn lửa
Đứng lặng yên vô hồn khô lệ
                                          Cha muốn khóc con dù chỉ một lần .

Hoa trắng héo trên mồ dưới bình minh
Cha vẫn thắp hương cho con mỗi lần trời rang sáng
Nỗi buồn cứ dài theo năm tháng
Cha vẫn ngồi xuống mỗi cơn đau .

Cha biết đi đâu về đâu
Đành để mặc tim mình quằn quại
Những khoảnh khắc nhớ con ngây dại
Cha vẫn thấy con ngồi học đêm đêm .

Thương con cha lặng im
Nắm mì tôm vẫn để phần cho con ăn đỡ đói
Nhớ con cha thầm gọi
Tên con cha đã đặt từ những năm chiến tranh.

Trong máu lửa cha vẫn mong về cuộc sống yên bình
Mà bây giờ nỗi đau dài theo năm tháng
Cha biết có một ngày cha nằm xuống
Vĩnh viễn – nhẹ nhàng – bình yên
Sau một cơn đau tim dữ dội .

Kẻ ác chưa một lần kết tội
Nỗi đau đi-ô-xin đè nặng kiếp người
Những mơ ước nhỏ nhoi
Tuổi thơ con vụt tắt .
     Lời bình

     Tôi rất may được tác giả Dương Tùng Giang cho xem tập bản thảo, và được tặng tập thơ “Dòng sông vẫn chảy”sớm hơn mọi người do NXBVH ấn hành năm 2012. khi đọc đến bài : “Nỗi đau đi-ô-xin” Tôi thật sự xúc động.
     Khi sinh con ra, ai chẳng muốn vuông tròn. Nhưng tạo hóa thật cay nghiệt, trời đất thật không công bằng : “con chào đời trong tay mẹ bao dung”rồi con lại “ra đi trên tay cha bất lực”.Có nỗi đau nào đau hơn thế ! Những người lính khi ở chiến trường họ phải hứng chịu bao gian nan thử thách để giành lấy hai tiếng hòa bình. Nhưng chớ trêu thay, khi chiến tranh kết thúc, họ trở về với quê hương làng xóm, với mái ấm tình thương của mình, họ còn đau khổ hơn nhiều – cái nỗi đau nó giằng xé tâm can, đeo đẳng đi theo suốt cả cuộc đời, giằn vặt tâm hồn theo năm tháng… Bởi cái chất đi-ô-xin chết người kia đã ngấm sâu vào từng thớ thịt ,từng tế bào từng giọt máu của người lính .
     Lúc xây dựng gia đình, hạnh phúc nào bằng khi nghe tiếng à ơi, thế mà những đứa trẻ sinh ra nó có tội gì đâu mà “bà mụ”lại lỡ tay nặn ra méo mó hình hài, đầy mình bệnh tật. Dương Tùng Giang anh viết cho riêng anh, anh viết cho những người lính cùng chung số phận với anh, kể cả những người lính Mỹ:
                                       “Cha bàng hoàng gục xuống giữa cơn đau
Chiếc hòm gỗ mầu son rực lên như mầu lửa
Đứng lặng yên mắt vô hồn khô lệ
Cha muốn khóc con ,dù chỉ một lần”.
     Thơ Dương Tùng Giang giản dị mà như khía vào những nỗi đau chiến tranh chưa thành sẹo của những người lính không may mắn. Hình ảnh chiếc hòm gỗ mầu son lạnh ớn kia, lại hóa thành hình tượng những ngọn lửa chiến tranh cứ âm ỉ đốt cháy mãi cuộc đời. Những người lính như anh muốn khóc khi mất một đứa con, nhưng không sao khóc được, bởi từ lúc sinh con ra, họ đã âm thầm khóc quá nhiều rồi, họ bất lực trước “Nỗi đau đi-ô-xin”,nên họ còn đâu nước mắt nữa để mà khóc. Những dòng nước mắt ấy đã hóa thành mạch lệ ngầm chảy ngược vào tim.
     Là cha, là mẹ, ai không muốn sinh con ra được lành lặn, khỏe mạnh. Có nỗi đau nào đau hơn những người lính mang trong mình cái chất độc đi-ô-xin quái quỉ ấy. Sinh con ra nuôi con đấy, yêu con đấy, thương con dứt ruột, đứt gan ,mà vẫn phải chờ một ngày không mong muốn ! Vẫn cầu nguyện cho con mình kéo dài thêm sức sống. Nhưng những vòng hoa trắng vẫn đè lên nấm mộ, rồi héo dần trong những buổi bình minh ,và “cha vẫn thắp hương cho con mỗi khi trời rạng sáng”Đó là những nỗi đau đớn, xót xa suốt cả cuộc đời :
                                         “Cha biết đi đâu về đâu
                                           Đành để mặc trái tim mình quằn quại”
     “Nỗi đau đi-ô-xin”là một bản cáo trạng tố cáo cuộc chiến tranh vô cùng bẩn thỉu và dã man của đế quốc Mỹ gây ra, trời không dung, đất không tha. Tòa án đâu sao không minh sét, để Dương Tùng Giang phải gào thét lên :


                                         “Kẻ ác chưa một lần đền tội
                                           Nỗi đau đi-ô-xin đè nặng kiếp người
                                           Những mơ ước nhỏ nhoi
                                          Tuổi thơ con vụt tắt”.
“Dòng sông vẫn chảy”, thơ anh vẫn chảy, cho dù nỗi đau này đeo đẳng suốt cuộc đời anh,và những người lính như anh. Xin chia sẻ cùng anh qua bài thơ :

                                        
  NỖI ĐAU NGƯỜI LÍNH

Vợ chồng ai chẳng muốn vuông tròn
Anh lên đường làm trọn việc nước non
Trí làm trai không bao giờ nợ nước
Thân làm gái vẫn một dạ sắt son.

Anh trở về khi Mỹ ngụy đã tan
Hết chiến tranh chưa hết cảnh điêu tàn!
Đất nước đã hoàn toàn giải phóng
Anh ôm em xiết chặt vào lòng.

Hạnh phúc riêng anh chẳng nhiệm mầu
Ôi Hỡi trời! anh có tội gì đâu
Mà vợ sinh con thành dị tật
Thiếu chân, thiếu mắt, lại to đầu.

Ôi!chiến tranh sao lại hóa kéo dài
Tội ác này xin hỏi tại ai?
Tòa án đâu sao không minh xét
Đứa trẻ sinh ra cũng một kiếp người.

Ôi! Nỗi đau như dao cắt vào lòng
Những ước mong, khát khao và sung sướng
Cháy ruột gan, tất cả thành vô vọng
Thành mạch lệ nầm chảy ngược vào tim .

                                           Nhà thơ Nghiêm Thản


 










                                  




    








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét