TRUYỆN NGẮN
CÓ
KHI NẰM VIỆN LẠI HÓA HAY
Mấy hôm nay trời
nóng như đổ lửa, ngồi trong nhà mà như trong lò bánh mì, nhiệt độ ngoài trời
khi đi đường có lẽ lên tới 41 - 42 độ. Cây chuối sau nhà vừa nẩy mấy tầu non
nõn trông thật mát mắt, thế mà nắng xém chín cả đi. Đôi chim bồ câu tranh nhau
xà vào chậu nước tắm vỗ cánh phành phạch. Cô sinh viên xóm trọ đi học về, dừng
xe mặt mày bưng bít tưởng như vừa đi cướp nhà băng về, cô tháo khẩu trang cất
tiếng chào, tôi chưa kịp trả lời thì chuông điện thoại reo, tôi gật đầu, xin
lỗi. Đầu dây bên kia chị bạn tôi hỏi:
- Thế nào, ngày
mai chú có đi không? Chả là CLB bóng chuyền chúng tôi có dự định tổ chức đi dã
ngoại. Nếu mai mà thời tiết cứ như thế này thì chị không đi đâu, bởi mấy hôm
nay chị thấy trong người không được khỏe, nó oải oải thế nào ấy.
- Vâng! Nếu thời
tiết thế này thì em cũng ngại chị ơi! Tôi trả lời. Vả lại chị yếu thế thì cũng
không nên đi, mà không có chị thì em cũng chẳng đi làm gì, để xem thế nào đã,
nếu thời tiết dịu xuống thì cũng nên đi cho vui. Tôi vừa tắt máy điện thoại thì
chuông lại reo. Lần này là tin nhắn, tôi đọc thêm vài tin nhắn chưa đọc, trong
đó có tin dự báo thời tiết cho hôm nay và ngày mai, khu vực Hà Nội sáng mai có
mưa và giông trời mát, nhiệt độ từ 24 – 26 độ. Tôi mừng quá, bấm máy thông báo
cho chị biết. thế là chúng tôi quyết định đi.
Buổi sáng hôm ấy trời đổ mưa như trút nước,
tôi thầm nghĩ ông trời có lẽ ủng hộ chúng tôi. Đợi cho ngơn ngớt mưa tôi mới
đi, không ngờ trên đường đi mưa càng lúc càng to. Tôi lại nghĩ thật là xui xẻo,
có lẽ mưa to và kéo dài như thế này thì sẽ lỡ chuyến đi. Đúng 6 giờ kém 15 phút
tôi đã có mặt tại nhà chị như dự định. Đứng trước cửa nhà mà mưa vẫn xối xả,
tôi mở máy điện thoại gọi, nhưng chỉ thấy “thuê bao quí khách…”. May mắn tôi
đọc được tin nhắn từ lúc 24 giờ đêm hôm trước: “Chị không đi được huyết áp cao”.
Tôi định vào nhà nhưng lại ngại, và quyết định quay đầu xe trở về. Trên đường
về mưa càng to hơn, còn có cả giông nữa, tôi mặc cho trời cứ mưa, gió cứ giông,
mũ áo lật ngược bay tứ tung, người tôi ướt như chuột lột tôi vẫn cứ lầm lũi đi.
Có lẽ đây cũng lại là một kỷ niệm khó quên. Đi trong mưa mà tôi miên man nghĩ.
Tôi nghĩ đến một lần hai đứa chúng tôi đi sang Kinh Bắc giao lưu thi đấu, Đoàn
chúng tôi lại thích đi bằng xe máy để hưởng thụ cái không khí trong lành của
đất trời, và chậm rãi ngắm vùng Kinh Bắc. Thật trớ trêu, trên đường đi trời
bỗng đổ cơn mưa, một cơn mưa to ghê gớm kéo dài 3 giờ đồng hồ liền không ngớt,
chúng tôi buộc phải trú mưa. Một tiếng sét rung trời làm cả hai đứa chúng tôi
và mọi người đều sợ, chị và tôi nép chặt vào nhau. Cũng chính sự vô tình ấy đã
thành một kỷ niệm sâu sắc. Chị sốt ruột sợ không kịp giờ giao lưu. Tôi thì lại
nghĩ khác... Mưa ngớt dần, chúng tôi quyết định mưa cũng đi. Trời vẫn mưa nhưng
không to lắm, để tránh ướt áo quần chúng tôi ngồi trên xe như dán vào nhau, mà
vẫn thấy áo mưa nhỏ quá. Dòng suy nghĩ cứ miên man miên man, tôi về tới nhà mà
không hay. Tôi rùng mình thấy lạnh, hay
lòng mình se lạnh.
Vừa tắm xong, có
tiếng chuông điện thoại, tôi vội vồ lấy nghe. Bên kia đầu dây giọng thều thào
bé nhỏ nghe không rõ lắm, nhưng tôi cũng biết được huyết áp chị bạn tôi lên tới
180. Tôi thật sự lo lắng và tan biến ngay cái nỗi buồn vô cớ kia. Bây giờ mới
là nỗi buồn thật sự, thế là chị lại ốm rồi, lại phải vào nằm viện. Tôi rất buồn
và thương chị lắm, trong lúc huyết áp cao thế mà vẫn tự mình đi đến bệnh viện
khám, may mà không xẩy ra chuyện gì. Các con chị đi làm thì đã đành, còn chồng
chị? Chồng chị thì lại cho là chuyện bình thường, ông ta còn nói với chị: “Anh
cũng thường xuyên tăng huyết áp thế có sao đâu”. Thật nguy hiểm cho một tính
mạng con người với những người vô tâm như thế.
Sau những kết quả
xét nghiệm và chiếu chụp, bác sĩ kết luận chị bị nhồi máu não. Tôi thật sự lo
lắng cho chị, nhưng ông chồng chị thì lại không hiểu tí nào, hay cố tình không
hiểu, nên tôi càng buồn hơn. Muốn giúp chị nhưng lực bất tòng tâm, tôi chỉ còn
có cách an ủi. Tôi biết chị là người tình cảm, hay cả nghĩ, với căn bệnh như
thế này càng suy nghĩ lại càng tăng bệnh. Cái gì đến sẽ đến, chúng tôi lại mỉm
cười. Chị may mắn gặp thày gặp thuốc căn bệnh đã qua nhanh. Hằng ngày tôi sớm
tối điện thoại hỏi han động viên, nên tôi cũng biết được ít nhiều. Cô con dâu
mặc dù sáng ra phải lo cho con đi học, rồi đi làm công sở, việc này việc kia
cũng nhiều vất vả. Nhưng ông chồng là tỷ phú của thời gian thì lại thờ ơ, chỉ
thích vui thú những canh bạc đỏ đen, chứng khoán được thua. Chị chia sẻ những
câu rất buồn: “Chị chỉ thích nằm viện như thế này”. Ai mà muốn nằm viện, có là
dở hơi. Có lẽ khi ở nhà chị còn buồn hơn khi phải sống với một người chồng có
trái tim lạnh như vậy. Một người chồng chỉ biết hưởng thụ. Chắc anh ta khi vợ
nằm viện thì khổ lắm, khó khăn lắm, bởi thiếu vắng một bàn tay phụ nữ, người
“nâng khăn sửa túi” kia mà.
Hơn một tuần lễ
nằm trong phòng lạnh, một buổi sớm mai muốn thở chút không khí ngoài trời, chị
hé cửa sổ nhìn ra, chợt nghe thấy tiếng chim hót trong trẻo, tiếng lá rơi xào
xạc. Chị bước ra ngoài, mới sớm ra mà trời đã nóng như đổ lửa, thấy người chếnh
choáng chị quay về phòng. Cả phòng có 3 giường, hôm nay thêm một bệnh nhân nữa.
Gường bên kia là một cậu thanh niên khá
đẹp trai, đôi môi lúc nào cũng đỏ au như con gái, mặt còn hồng hồng nữa. Cậu ta
là một hướng dẫn viên du lịch, cũng bị bệnh tăng huyết áp. Những lúc khỏe cậu
ta giới thiệu những khu du lịch của non sông đất nước mình, cậu ấy có giọng nói
xứ Nghệ dạ dạ, thưa thưa rất ngọt ngào, rất truyền cảm mọi người nghe mà cứ như
đang được đặt chân tới khu du lịch ấy. Chị bạn bệnh nhân mới vào, vừa ngước
nhìn chiếc đồng hồ thì đã thấy ông chồng mang cơm vào. Anh nhanh nhảu chào mọi
người, và cười , nét cười rất tươi còn có chút gì rất duyên nữa. Bà vợ nhìn
thấy chồng chỉ nhếch mép cười nhạt. Anh ta nói với vợ :
- Anh nấu canh cua
với mồng tơi đây này, ngọt lắm em ăn đi cho nóng. Em đừng lo, cứ an tâm điều
trị, ở nhà mọi việc anh lo chu toàn hết. Chị vợ vẫn lầm lì không nói. Sau này
mới biết chị ấy bị bệnh trầm cảm. Chả bù cho ông chồng vừa nhìn vợ ăn vừa kể
chuyện tiếu lâm vui đáo để, mặt tươi hơn hớn như một bông hoa mới nở. Đã đến
giờ nghỉ trưa, chỉ còn nghe những tiếng thở đều đều. Chiếc đồng hồ treo tường
tí tách nghe rõ mồn một, hai kim đã chập một, 12 giờ đúng, sau đó là tiếng thở
dài của chị buông thõng. Cũng là vô tình, chị vui hẳn lên khi thấy anh em trong
CLB bóng chuyền tới thăm, và đức ông chồng giờ này mới mang cơm cho vợ. Chúng
tôi vừa nói chuyện vừa ngắm chị ăn cơm. Dường như chị đói, chị mở ngay nắp cặp
lồng, mời chào chúng tôi, vừa ăn vừa nói chuyện. Có lẽ không hợp khẩu vị, hay
vì cơ thể còn mệt chị không muốn ăn. Đôi mắt chị đượm buồn, chiếc nắp cặp lồng
từ từ được đậy lại. Ông bạn tôi an ủi chị:
- Cô cố ăn đi cho
mau khỏe. CLB thiếu cô là mất vui đấy, mà cô lại là cầu thủ cứng của đội nữa.
Tháng sau lại phải đi đấu giao lưu với Sơn Tây nữa đấy.
- Chốc nữa em ăn,
miệng em đắng lắm! Chị trả lời.
Ông chồng chắc
hiểu ý vợ, xách cặp lồng cơm về, dáng đi cung cúc, người lao về phía trước, hai
chân khuệnh ra. Chắc hẳn hôm nay cô con dâu bận gì nên phải đích thân mua cơm
cho vợ. Tại sao không nấu cho ngon nhỉ? Hay chắc ông ta chỉ quen được vợ chăm
sóc, nên việc này vụng về là đúng rồi. Ông bạn tôi bóc quả cam, và lấy hộp sữa
tươi không đường cho chị ăn, nhìn chị ăn ngon lành, mà lòng tôi thấy vui vui.
Sau đợt nắng nóng
ác liệt này, trời đã đổ mấy trận mưa rào nên không khí cũng bớt phần oi bức.
Chị cũng đã đỡ hơn nhiều. Tôi khuyên chị nên ra viện để tiếp xúc với thiên
nhiên cho mau khỏe, vả lại cứ mỗi ngày tính tiền giường, tiền thuốc, tiền nọ
tiền kia lên tới 1.800.000đ thì tiền núi cũng hết, thực sự tôi quá sốt ruột.
Thế cũng đã trên dưới nửa tháng rồi. Nhìn mặt chị thần ra chừng như không muốn
về với bốn bức tường kia. Chị nói đùa: “Có khi nằm viện lại hóa hay”.
Hà Nội ngày 30 / 5 / 2015
Nghiêm
Thản
MỘT CĂN BỆNH QUÁI ÁC
Tùng đang trầm tư suy nghĩ về nhân tình
thế thái từ các chiều đại Đinh Lê Lý Trần Lê cho đến thời mình đang sống, thì
có tiếng chuông điện thoại reo. Cô bạn gái gọi. Tùng nhấc máy:
– Anh nghe đây, có việc gì đấy em? Bên kia
đầu giây Hà thao thao kể những chuyện mới với Tùng giọng rất vui và cởi mở. Chả
là tất cả những tâm sự đầy vơi Hà đều chia sẻ với Tùng tất cả, không giấu một
điều gì, chính vì vậy mà hai người càng ngày càng thân thiết, và quí nhau hơn.
Hà là người đàn bà rất ưa nhìn, có nét đẹp duyên dáng, với nụ cười đẹp đến mê
hồn, các bạn trai của Hà nói vui với nhau là “cái cười chết người”, khiến giới
mày râu không thể bỏ qua được, mặc dù tuổi đã xế chiều. Với ánh mắt đượm buồn
mặc dù chỉ thoáng qua nhưng mọi người vẫn nhận ra được. Vừa vui đấy, Hà lại hạ
giọng, qua giọng nói trầm buồn Hà nói:
- Anh ơi! Ừ anh đang nghe đây - Tùng trả
lời:
- Hôm nay em lại phải gặp bọn nó rồi!
- Tốt rồi! Tùng an ủi. Đây là cơ hội để em
xúc tiến tới mối “quan hệ” của bọn tham quan cho được việc. Nguyễn Trãi đã từng
nói: “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” thì với mình sống trong xã hội này muốn
được việc mình cũng phải biết yên cán bộ chứ. Gió chiều nào ta che chiều đó em
ạ.
Một buổi sáng đầu năm đẹp trời. gió hiu
hiu mát, hai người đèo nhau đi chầm chậm như dạo chơi trên đường phố, nắng hơi
gắt hắt lên khuôn mặt phúc hậu của Hà, đôi má ửng hồng lên càng tăng thêm vẻ đẹp
duyên dáng. Đôi bàn tay thon như búp măng, chỉ nhìn đôi bàn tay thôi thì ai
cũng lầm là con gái. Nhưng vẫn không dấu được vẻ đượm buồn qua ánh mắt. Tùng
đưa Hà đến gặp một bà bác sĩ để mua nghệ đen về chữa bệnh đau dạ dày, nghe nói
thứ nghệ đen này được mang từ trên núi về tốt lắm. Thôi thì có bệnh thì vái tứ
phương vậy, biết làm thế nào được - Tùng thầm nghĩ. Không găp được bà bác sĩ,
quay về, hai người rẽ vào nghỉ chân nơi một quán nước ven đường. Tùng ngồi đối
diện với Hà, nhìn ánh mắt buồn buồn trên khuôn mặt kiều diễm của bạn mình hiện
lên như có cái gì khắc khổ, lo lắng một điều gì, khiến Tùng thấy thấy trạnh
lòng. Hà nhìn bề ngoài ai cũng nghĩ là rất khoẻ mạnh, bởi với thân hình cân đối
vạm vỡ, đầy đặn, căng đầy sức sống, chắc như con gấu, với bộ váy rằn ri trông
như nữ sĩ quan Mỹ. Nhưng trong người thì đầy bệnh tật, có khi chồng con cũng
không biết, mỗi tháng phải tiêu tới hơn chục triệu tiền thuốc, nghe mà sốt cả
ruột. Chồng con thì nhiều tiền nhưng Hà không muốn phiền hà, lại vào viện ra
viện liên tục. Còn cái bệnh “Rối loạn thần kinh thực vật” nó hoành hành đáng sợ
luôn. Bệnh “Rối loạn thần kinh thực” là một bệnh không gây chết người, nhưng
cũng gây khá phiền phức. Phần chủ giao cảm và phó giao cảm không hài hoà với
nhau, chủ đạo thần kinh điều khiển các cơ quan chức năng mất chính xác. Thí dụ
đang vui lại buồn vô cớ, không có cái gì gây đau bụng cũng thấy đau bụng, có
thể làm sai lệch sự suy nghĩ, cáu bẳn vô cớ, như trống đánh xuôi kèn thổi ngược
vậy… Chỉ có Tùng là hiểu vì hai người hay tri kỷ với nhau nên Tùng rất thương Hà.
Đang trầm tư suy nghĩ miên man thì Hà hỏi làm Tùng giật mình:
- Ơ kìa anh đang nghĩ gì thế? Anh uống
nước đi chứ - Hà nói. Anh châm thuốc mà không hút à? Cháy gần hết rồi kia kìa
- Ờ… ờ… không…không… Anh đang nghĩ về em -
Tùng nói. Khổ cho em bệnh tật thì nhiều, mà vẫn phấn đấu về đường công danh.
Nghĩ cũng phải, cả cuộc đời làm việc lăn lộn gần như một mình nuôi con cho đến
lúc nghỉ hưu, con người cứ thui chột dần đi. Bây giờ lại lao vào sự nghiệp văn
chương, để gửi gắm những buồn vui ưu tư phiền muộn vào đó, để giải toả nỗi
lòng. Và cũng muốn đánh giá được sự phấn đấu của mình trên con đường văn chương
chữ nghĩa. Người ta được đào tạo trong ngành văn chương thì đã đành, đi vào con
đường văn chương Hà lại trái nghành trái nghề. Năm ngoái Hà tưởng ăn chắc được
vào Hội thế mà vẫn bật ra, không phải vì chất lượng của bài viết và tác phẩm,
thơ của Hà hay mọi người rất thích đọc, Hà chủ yếu viết về những người phụ nữ
xấu số qua tình cảm vợ chồng, không biết Hà viết cho Hà hay viết hộ cho người
khác, nhưng đọc mủi lòng lắm. Vì thế nên lí do chủ yếu là cách “quan hệ” chưa
đúng cửa. Tùng an ủi:
- Thôi em à! Chẳng qua là mình chưa may mắn
thôi, vả lại bọn tham quan này chúng lắm trò lắm, có voi đòi tiên, mệt mỏi lắm,
là phụ nữ càng xinh đẹp như em lại càng khó. Thôi đành đâm lao thì phải theo
lao vậy. Rất có thể chúng nó giở trò khốn nạn khi đã lừa được mình trèo lên
lưng cọp, nghĩa là ăn khá nhiều tiền rồi vẫn cứ lờ đi để rử mồi. Vậy nên mình
phải đặt tình huống xấu nếu xảy ra, và phải đặt sẵn những phương án, phải khôn
khéo để thoát nạn, không thì đến lúc ấy lại bảo là không ngờ và không ngờ...
Cùng lắm thì thí cho chó cũng không sao, tuổi đã xế chiều còn cái gì nữa mà
mất, vì đây không thuộc phạm trù đạo đức, với anh rất thông cảm cho em. Mới nói
đến đây Hà không không chịu nổi, bật lên mắng Tùng té tát, Tùng như bất chợt bị
dội nước lạnh vào mặt. Nó được thoả mãn rồi sau này nó đi khoe với mọi người
thì sao. Tùng thấy Hà nói đúng, và nói lảng sang chuyện khác.
Được giúp bạn, Tùng cảm thấy đó là niềm hạnh
phúc. Tùng và Hà rất thân nhau, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, cùng giúp đỡ nhau
những lúc khó khăn trong cuộc sống, đọc cho nhau nghe những tác phẩm mới… Những
buổi đẹp trời hai người đi dã ngoại chụp ảnh cho nhau. Đi giao lưu thơ với các
clb khác, hai người đều đi với nhau. Thậm chí thiếu một người thì người kia không
đi nữa. Tùng và Hà có biết bao những kỷ niệm buồn vui với nhau không bao giờ có
thể quên được. Hằng ngày hai người gọi điện cho nhau để chia sẻ những đầy vơi.
Tùng là một người rất thông minh, đa tài
và nhạy cảm, linh tính của Tùng như có cái gì không ổn từ mấy ngày trước nên
trong lòng luôn bất an, thậm trí trong đường đi nước bước Tùng đều rất cẩn
trọng, sợ điều không lành xẩy ra. Chuông điện thoại réo, Tùng mừng lắm, hình
như Tùng biết trước được điện của bạn mình, nhưng móc mãi mới được máy ra. Tùng
gọi ngược lại:
- A lô anh đây em!
- Anh làm gì mà mãi không nghe máy thế? -
đầu bên kia Hà nói như gắt gỏng. Tùng suy đoán lại có điều gì bất ổn đây,
thường thì những lúc như thế này Hà hay trút bực tức lên đầu Tùng một cách vô
cớ, nhưng bao giờ Tùng cũng mềm mỏng vì Tùng là con người của tình cảm nên rất
yếu đuối. Vẫn giọng nói bực dọc:
- Anh có nghe không đấy?
- Có! Anh đang nghe mà! Tùng đáp. Sóng yếu
quá có một vạch thôi .
- Ngày mai anh đèo em đi thăm hội viên ốm,
nhưng tới bệnh viện anh đứng ngoài không nên vào. Tùng ngẩn người ra không hiểu
Hà nghĩ gì! Và nói cái gì nữa. Hà là chủ
nhiệm Tùng là phó, vả lại cả ba người cũng thân thiết với nhau có gì xa lạ, họ
vẫn thường tổ chức đi chơi dã ngoại với nhau. Mà thăm người ốm là cái tâm của
mình thì có làm sao. Tùng hỏi lại:
- Thăm hội viên ốm, mà nó là bạn bè thân
thiết với chúng mình thì có làm sao mà anh phải đứng ngoài, vắng em anh cũng
đến thăm nó được kia mà, vừa là trách nhiệm của clb vừa là tình cảm riêng thì
anh cũng muốn vào thăm bạn bè thì có sao, đâu như hôm anh đưa em đi gặp bọn
tham quan để giải quyết mọi “quan hệ” mà anh phải chờ ở ngoài hàng mấy giờ đồng
hồ. Như lần trước hồi đầu năm, Hà lập tức sửng cồ lên với Tùng rồi chửi bới
lung tung, cho Tùng là buộc tội vu khống cho bọn tham quan và xúc phạm danh dự
của Hà, mắng Tùng lúc nào cũng nghi ngờ nọ kia… Tùng cũng thấy choáng vì Bố
Tùng thì hy sinh rồi, còn mẹ nuôi Tùng từ bé đến lớn chưa bao giờ chửi Tùng một
câu nào, thương Tung mồ côi mồ cút. Chưa hết, Hà lại còn xúc phạm đến vợ Tùng
nữa. Thế là cuộc cãi vã xẩy ra trên điện thoại. Tùng rất buồn, nhưng Tùng vẫn
nghĩ có lẽ do cái căn bệnh gọi là “Rối loạn thần kinh thực vật” đã lái sự suy
nghĩ của Hà sang một hướng khác mà Hà không biết được. Rất bình tĩnh. Lúc này
buộc Tùng buộc phải giải thích với những chứng cứ chính Hà nói ra, may ra Hà hạ
hoả:
- Em thật bình tĩnh nghe anh nói đây. Hà
vẫn như người điên nói cướp lời, như nói cho bõ cơn tức giận vô cớ.
- Kẻ nói phải có người nghe chứ, nghe anh
phân tích đây – Tùng mềm mỏng:
- Điều thứ nhất: Em nói là có một thằng
trong bọn tham quan nói với em là: “Anh em mình phải có một ngày ngồi duyệt thơ
với nhau, cụ thể ngày nào anh sẽ báo em sau”. Tùng nghĩ. Duyệt thơ chứ có cái
gì mà phải mất những một ngày ngồi với nhau. “Lâu không thấy hắn gọi đến duyệt
thơ - Hà nói. “chắc thằng này cũng nhiều việc mà nó chỉ thèm tiền thôi”. Tùng
thầm nghĩ thế thì đã tốt. vì Tùng rất lo lắng cho bạn
- Điều thứ 2: khi Anh đưa em đến duyệt thơ
(làm những thủ tục “quan hệ” là chính). Khi duyệt có 3 người, lý do gì mà lại
phải mời 2 người về trước, còn lại có một mình em ở lại rồi khoá trái cổng lại?
- Điều thứ 3: Ngồi chờ ở ngoài ạnh nhận được
điện của em nói rằng: “Anh chờ em một
chút nữa”, anh ngồi đợi 30 phút rồi 45 phút, nóng ruột anh định nhảy bổ vào
nhà, gần tới nơi thì gặp em quay ra, lại quên cái mũ đẹp mà mà hai đứa có nhiều
kỷ niệm với nhau ở Nam Ngạn Hàm Rồng Thanh Hoá. Em không quay vào lấy mũ nói là
ngại lắm, Tùng nói. Vài bước chân có cái gì mà ngại, vì tiếc cái mũ buộc Tùng
phải nghĩ.
Tùng biết Hà rất khôn khéo không để xẩy ra
tai nạn là mừng rồi. Nhưng chỉ bấy nhiêu những điều Hà nói ra cũng đã đủ cho
người mọi người phải suy luận, huống chi là Tùng một con người nhạy cảm như
thế. Con người chứ đâu phải cái cột điện. Tùng suy luận rất đúng. Nhưng Hà vẫn
buộc tội cho Tùng là xúc phạm Hà và vu khống cho bọn tham quan trong khi Tùng
không hề kết luận một điều gì, lúc nào cũng muốn tốt cho Hà, đây chỉ là ý nghĩ
của Hà. Lẽ ra hai người phải ăn mừng và chia sẻ với nhau khi mình không mắc nạn
mới đúng. Nếu đem việc này ra chất vấn và tham luận thì Hà chỉ đeo mo vào mặt,
mà ghế của bọn tham qua cung lung lay. Thật buồn cho sự suy nghĩ nông cạn, và
bạc khẩu của Hà. Tùng giận thì ít thương Hà thì nhiều. Sống ở đời tìm được một
người bạn để mà tri kỷ với nhau đâu phải dễ. Có lẽ cái căn bệnh quái ác gọi là
“Rối loạn thần kinh thực vật” nó làm lệch hướng sự suy nghĩ của một con người
dễ thương dễ mến như Hà, làm thay đổi cả bản chất con người Hà, để rồi bạn bè
dần dần xa lánh! Khổ thân! Rồi không biết những chuyện gì sẽ đến với Hà nữa
đây!
Nghiêm Thản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét